Đôi bàn tay “biến dạng” theo thời gian bởi công việc nhặt rau muống thuê. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cuộc sống quê nhà khó khăn, không mảnh đất cắm dùi, không có điều kiện làm ra tiền. Dìu dắt nhau lên thành phố những tưởng sẽ cho họ một cuộc sống tốt hơn, cơm áo no đủ hơn… nhưng vẫn không khá hơn vì không bằng cấp. Trong số họ có người một chữ bẻ đôi cũng không biết, hiếm mấy ai được nhận vào các công ty hoặc làm công nhân chính thức. Công việc bấp bênh.
Những bó rau muống gắn liền với người dân trong xóm nghèo như một phần cuộc sống của họ. Ảnh: HỒNG PHÚC.
Những người đàn ông, thanh niên trai tráng trong xóm nghèo thì đi phụ hồ cho các công trình, làm thợ đục, ai thuê gì làm nấy. Còn những người già, phụ nữ và trẻ con để kiếm thêm tiền chợ cho gia đình phải nhận nhặt rau muống thuê tại nhà.
Đến hẹn lại lên, 3 giờ sáng những bó rau muống to đùng được tập kết tại xóm nghèo. Những con ong chăm chỉ lại bắt đầu công việc để kịp tiến độ giao hàng cho chủ vựa rau. Vất vả cả ngày ngồi nhặt phần lá của rau muống, sau đó thân rau được bó lại đem cân ký chờ giao hàng. Mỗi bó rau muống nhặt lá xong được trả với giá 3.000 đồng/bó hoặc 1.000 đồng/kg. Họ thu nhập trung bình mỗi ngày từ 50.000 đến 60.000 đồng.
Công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng dễ kiếm tiền nhưng để có được số tiền chưa tới 100.000 đồng/ngày, các bà, các chị phải thức dậy từ 3 giờ sáng làm đến tận chiều tối. Phần mủ rau tiết ra làm đôi tay của họ bị ăn mòn, nhuộm đen hết mười đầu ngón tay. Đối với những người phụ nữ cao tuổi thì còn phải chịu đau lưng, mỏi gáy.
Những thành phẩm đang chờ chủ vựa rau đến thu. Ảnh: HỒNG PHÚC
Định cư tại Sài Gòn từ năm 2008 đến nay, chị Võ Thị Yến Phương (28 tuổi, quê Sóc Trăng) là người có thâm niên nhặt rau muống thuê hơn năm năm.
Chị Phương trải lòng: “Ở quê không có ruộng nương, vợ chồng dắt díu lên Sài Gòn mưu sinh nhưng lại ở xa thành phố, không có nghề nghiệp, không bằng cấp thì việc kiếm tiền cũng khó khăn không kém. Cũng may có cái nghề nhặt rau muống thuê cũng có thêm tiền mua gạo, mua cá. Nhiều đêm không ngủ được, mấy đầu ngón tay bị nhức bởi mủ rau muống làm sưng tấy lên. Với số tiền lương ít ỏi từ công việc phụ hồ của chồng tôi thì không đủ trang trải cho cuộc sống. Nên việc gì làm ra tiền cũng làm hết dù tay chân có xấu xí đi chăng nữa”.
Chở rau đi giao.
Ngoài giờ đi học, những đứa trẻ trong xóm cũng tranh thủ đi bán vé số, phụ giúp gia đình nhặt từng cọng rau để kịp giờ chiều giao cho chủ. Đối với những người dân trong xóm nghèo, để có tiền lo cho con ăn học là điều không tưởng. Để có được miếng cơm manh áo, những người lao động nghèo phải vật lộn với tất cả các nghề. Có biết bao nghề mưu sinh và mỗi nghề lại có những khó khăn vất vả riêng, đặc biệt là lao động về chân tay. Đôi bàn tay méo mó để cuộc đời thêm tròn…
Cách trung tâm thành phố gần chục km, xóm nghèo chuyên nhặt rau muống thuê nép mình trong khu trọ công nhân lụp xụp đầy người già, phụ nữ và trẻ con. Những con người đổ về nơi đây đều là dân từ các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Quãng Ngãi… tập trung về Rạch Lùng, phường Tam Phú, Thủ Đức, TP.HCM mưu sinh. |