Cử chỉ, điệu bộ đến cách nói chuyện của Susie Morgenstern đều cho thấy bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 70, thậm chí ở bà còn có chút lí lắc như trẻ nhỏ.
Susie Morgenstern đến tham gia buổi giao lưu với khán giả Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) với chiếc váy hoa dài quá gối. Bà nhí nhảnh đeo chiếc kính hình trái tim với gam màu tím nhạt.
Susie vui mừng khi được chứng kiến các trích đoạn trong các tác phẩm của bà được những em học sinh diễn lại như “Bà ngoại thời @”, “Những lá thư không gửi”... Những cánh tay tới tấp giơ lên đặt câu hỏi cho tác giả “Những lá thư không gửi” khiến bà có một chút bối rối khi chọn lựa, rồi bà như vỡ òa, hóm hỉnh cười lớn trước câu hỏi của các khán giả, trong đó đa phần là các khán giả nhí.
Nữ nhà văn Morgenstern (mặc váy hoa) tại buổi giao lưu với khán giả Việt Nam
Viết truyện thiếu nhi là luôn đem lại niềm vui, sự tươi sáng tích cực cho thiếu nhi. Vậy bao giờ bà có thấy buồn không - một độc giả đặt câu hỏi.
Nữ nhà văn chia sẻ, khi chồng bà qua đời, bà đã mất 2 năm không viết được cuốn sách nào. “Không muốn đem lại cho các em nhỏ cảm giác buồn bã”, thế là bà lấy lại tinh thần lạc quan, lại viết văn vì đó là nhiệm vụ của nhà văn thiếu nhi - kéo dài niềm vui của các em nhỏ.
Viết văn thiếu nhi có khó không? Susie trả lời, viết lách là một niềm vui bất tận trong cuộc đời bà. Bà viết từ những trải nghiệm trong cuộc đời bà và đề tài cho thiếu nhi luôn tạo cho bà cảm hứng.
Số sách được xuất bản của nữ nhà văn Pháp đã lên tới con số 120 song bà không có ý định dừng lại. Bà tự nhận mình là một nhà văn công nhân hay nói cách khác bà là một công nhân viết văn, coi việc viết là lao động hàng ngày, xây nên các công trình.
“Tôi đã có cuốn sách bán được triệu bản, ngay cả khi sách không bán được bản nào thì tôi cũng vui vì mình đưa ra được ý tưởng. Tôi không sống cuộc sống của một thiên tài, mà tôi sống như một công nhân viết”, bà Susie nói.
Tính kỷ luật cộng với đam mê là bí quyết đã giúp nhà văn Pháp gốc Mỹ tạo ra những tác phẩm độc đáo. Susie kể lại việc ngày nào bà cũng dậy sớm, ăn sáng và tới văn phòng ngồi viết, bà làm việc tất cả các ngày trong tuần. Việc viết lách được bà tranh thủ mọi lúc mọi nơi.
Nhà văn chia sẻ: “Nếu đầu tôi bảo không viết nữa thì đôi tay của tôi sẽ đòi viết. Rất nhiều ý tưởng mà tôi mỗi ngày một già đi nên tôi phải làm việc để hiện thực hóa hết ý tưởng của mình”.
Các tác phẩm của Susie Morgenstern được xuất bản tại Việt Nam
Susie Morgenstern gây bất ngờ cho các khán giả khi lấy ra từ túi xách của mình vài cuốn tập có bản thảo viết tay bằng bút chì - những thứ mà bà cần mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi trên máy bay, chứ không phải chiếc laptop hay máy tính bảng - những món đồ công nghệ thời hiện đại.
Nữ tác giả lo lắng về điều này. Trong cuốn “Bà ngoại thời @”, Susie đã thuật lại câu chuyện của chính và với đứa cháu ngoại thích các thiết bị thông minh. Bà luôn suy nghĩ về việc làm sao để hạn chế được sự xâm lấn của các phương tiện này để thay vào đó, các cháu của bà sẽ tìm đến việc đọc sách.
“Bây giờ hai người yêu nhau khi đứng bên nhau nhưng mỗi người cầm một chiếc điện thoại và họ không nói chuyện với nhau. Tôi mong các cuốn sách của tôi sẽ giúp thế hệ sau này có được những trải nghiệm của thế hệ chúng tôi trước đây”, bà Susie hy vọng.
Susie Morgenstern ký tặng khán giả tại hiệu sách của Nhã Nam sáng 14.10
Susie Morgenstern sinh năm 1945, là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng. Bà sinh tại Mỹ nhưng yêu một nhà Toán học Pháp và chuyển tới Pháp sinh sống. Bà đã có 120 sáng tác với nhiều chủ đề cho thanh thiếu niên như tình cảm gia đình, hạnh phúc, chuyện trường lớp... Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm của bà đã được xuất bản và giành được sự yêu mến của độc giả Việt Nam như Những lá thư không gửi (giành hơn 20 giải thưởng quốc tế), Bà ngoại thời @, Yêu là cưới, Hai nửa tình bạn... |