Tối qua, ĐT Việt Nam tiếp Thái Lan trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á trên sân nhà Mỹ Đình. Kết thúc 90 phút, đội tuyển áo đỏ thua đậm với tỷ số 0-3 và gần như đã hết cơ hội tranh đoạt 1 trong 2 vị trí nhất bảng. Điều này đồng nghĩa, giờ đây mục tiêu của thầy trò Miura chỉ là cố gắng chơi tốt ở 2 trận còn lại để giữ một vị trí trong nhóm 24 đội đoạt vé tham dự vòng loại Asian Cup 2019.
HLV Miura đã mang lại nhiều điểm tích cực cho bóng đá Việt Nam.
Chứng kiến lối chơi nhợt nhạt của ĐT Việt Nam trước Thái Lan, các CĐV lại bắt đầu chĩa mũi rìu dư luận vào HLV Miura, đặc biệt là những người vốn đã không ưa nhà cầm quân người Nhật này. Làn sóng đòi VFF sa thải HLV Miura hoặc yêu cầu ông phải từ chức xuất hiện rộng khắp trên thế giới mạng. Mới nhất, phía LĐBĐ Việt Nam (VFF) cũng đã cảnh báo HLV Miura, cần phải chịu trách nhiệm về những thất bại đau lớn của tuyển Việt Nam, chứ không đổ lỗi này nọ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu HLV Miura có đáng phải nhận nhiều chỉ trích như thế, nhất là khi ông cũng đã mang về cho bóng đá nước nhà nhiều thành tích đáng khích lệ? Hãy cùng nhìn lại thời điểm Miura nhậm chức HLV trưởng ĐTQG Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam hồi tháng 4 năm ngoái để xem những dấu ấn của ông. Tại thời điểm đó, bộ máy lãnh đạo của VFF vừa bắt đầu một nhiệm kỳ mới, trong khi thành tích của các đội tuyển thì chạm đáy tại giải khu vực: ĐTQG bị loại từ vòng bảng của AFF Cup 2012 và ĐT U23 cũng bị loại từ vòng bảng SEA Games 2013.
HLV Miura bắt đầu công việc, sử dụng những gương mặt quen thuộc như Thành Lương, Văn Quyết, Công Vinh… đồng thời trao cơ hội cho một vài nhân tố trẻ gồm Hoàng Thịnh, Minh Tuấn, Huy Toàn, Quế Ngọc Hải… Và tất cả đã thấy, ĐT Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup 2014. Ở cấp độ U23, bộ khung trẻ trung do nhà cầm quân người Nhật tạo dựng giành vé vào chơi tứ kết môn bóng đá nam Asiad 2014, lọt vào VCK U23 châu Á và giành HCĐ SEA Games 28… Rõ ràng, các đội tuyển vẫn đang có những bước chuyển biến tích cực, chứ không thụt lùi như giai đoạn 2011 – 2013. Chưa kể, các đội tuyển đều hoàn thành mục tiêu mà VFF đề ra.
HLV Miura bắt tay các cầu thủ Thái Lan.
Tại vòng loại thứ 2 bảng F World Cup 2018 khu vực châu Á, mục tiêu của ĐT Việt Nam là tìm vé dự VCK Asian Cup 2019, chứ không phải là tấm vé vào vòng loại thứ 3. Cho tới thời điểm này, đội bóng áo đỏ đã có 4 điểm/4 trận, xếp thứ 3 trên BXH và cơ bản nằm trong nhóm 24 đội sẽ có vé dự vòng loại Asian Cup 2019. Mà một khi 12 đội giành vé tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á đã có vé chính thức đến UAE 2019, thì nghiễm nhiên, so với phần còn lại, Việt Nam được đánh giá nhỉnh hơn và cơ hội giành vé là vô cùng lớn.
Thua Thái Lan cả hai lượt trận ư? Thực tế là là tất cả đều đã đoán trước kết quả này, chỉ là phần đông khán giả không muốn chấp nhận mà thôi. 2 trận còn lại với Đài Loan (Trung Quốc) và Iraq, ĐT Việt Nam thắng 1 và hòa 1. Trước Iraq, đội từng vô địch Asian Cup 2007, nằm trong tốp đầu châu Á, có nhiều cầu thủ hiện chơi bóng ở châu Âu, đội bóng của HLV Miura đã chơi một trận xuất sắc và chút nữa đã có chiến thắng nếu như không có quả phạt đền ở phút 90+6.
Như nhiều chuyên gia đánh giá, bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc, không có một nền tảng vững chắc. Ngay cả V.League, giải đấu mà chúng ta từng tự hào hấp dẫn nhất Đông Nam Á, giờ đây bị chính khán giả nhà quay lưng vì bạo lực, dàn xếp tỷ số và yếu kém về chuyên môn… Không có nhiều lựa chọn chất lượng, không có những sự đầu tư bài bản và quan tâm đúng mức từ cấp lãnh đạo (ít khi có những trận giao hữu chất lượng)… Vậy thì chúng ta đừng nên đòi hỏi quá cao từ HLV Miura. Mourinho hay Arsene Wenger mà dẫn dắt ĐT Việt Nam cũng thua Thái mà thôi!