Người dùng than thở
Theo thiết kế, hệ thống đặt vé tàu trực tuyến của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ cho phép khách hàng giữ vé 10 phút tính từ khi chọn ghế cho tới khi xác nhận giao dịch. Trong trường hợp thanh toán trả sau, khách hàng có thêm 24 tiếng để hoàn thành việc thanh toán hóa đơn. Nếu quá các thời gian quy định trên, vé sẽ ngay lập tức được hệ thống trả lại trạng thái trống.
Thực tế, giới hạn thời gian 10 phút giữ vé khi mua vé trực tuyến đã khiến nhiều khách hàng gặp khó khăn.
Anh Trần Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ tại Q.11, TP.HCM) cho biết, mọi năm anh cùng người em thường đi xe khách về quê nhưng năm nay muốn chuyển sang đi tàu. “Nhưng tìm đỏ mắt mới thấy ghế trống cho hai người từ ga Sài Gòn về ga Nha Trang vào ngày 31.1.2016 nhưng chiều ngược lại vào ngày 13.2 thì bao la. Sau khi đã hoàn thành chọn 4 vé cho cả hai chiều, qua tới bước nhập thông tin thì bị thông báo quá thời gian”, anh Khoa kể.
10 phút giữ vé có thể sẽ không đủ với những người muốn đặt nhiều vé tàu Tết. (Ảnh chụp màn hình)
Theo đó, do thấy chiều Nha Trang - Sài Gòn có nhiều vé trống nên anh Khoa nhanh tay chọn trước. Sau đó, anh phải tốn khá nhiều thời gian tìm tàu và toa còn ghế cho chiều Sài Gòn - Nha Trang. Kết cục, ở bước nhập thông tin, thời gian giữ vé của hai vé Nha Trang - Sài Gòn đã hết, trong khi thời gian giữ vé của hai vé Sài Gòn - Nha Trang vẫn còn hơn 8 phút. Tất nhiên, anh Khoa phải quay lại bước trước đó để chọn lại vé Nha Trang - Sài Gòn và chạy đua với thời gian đếm lùi của hai vé chiều đi.
“Sau này tôi đã rút ra được một kinh nghiệm, đó là chỉ khi tìm đủ ghế trống cho hai chiều thì mới nhấn chọn, lúc đó thời gian sẽ đếm lùi ngang ngang nhau, thảnh thơi thời gian để khai báo thông tin ở bước tiếp theo. Nhưng mà cẩn thận bị người khác giữ vé trước thì khổ. Còn một cách khác là hủy các vé quá thời gian để đặt lại trong một phiên giao dịch khác dù có hơi phiền một chút”, anh Khoa chia sẻ.
Không tăng thời gian giữ vé
Cũng theo anh Khoa, thời gian 10 phút giữ vé có lẽ là hơi ngắn đối với những người chưa có kinh nghiệm sử dụng máy tính, chưa kể đó là thời gian tính chung cho cả quá trình tìm vé và nhập thông tin.
“Khác với mua vé xem phim, việc mua vé tàu đòi hỏi phải khai báo thông tin cho từng người. Và các tàu, toa, ghế hiển thị rất nhiều chứ không chỉ vài chục ghế như trong rạp chiếu phim nên đòi hỏi tốn nhiều thời gian hơn, đặc biệt là mua vé Tết như thế này. Tôi nghĩ 10 phút là không đủ cho những người cần đặt cùng lúc 4 vé tàu Tết trở lên”, anh Khoa chia sẻ thêm.
Hành khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn (Ảnh: Dương Thanh)
Nhiều khách hàng khác thì cho rằng, nếu không tăng thời gian chờ giữ vé, hệ thống nên có thêm tính năng gợi ý nhanh ghế còn trống gần nhất với thời gian và tuyến đường mà khách hàng đã chọn. Thử đặt vé tàu tại www.dsvn.vn, PV nhận thấy nhiều toa dù không tô đỏ (theo quy ước, màu đỏ là đã hết ghế) nhưng khi nhấn vào vẫn không thể đặt ghế. Quá trình tìm ghế trống phải thực hiện khá thủ công và mất thời gian trong các ngày cao điểm.
Trao đổi với PV tối 14.10, đại diện đơn vị triển khai hệ thống bán vé tàu trực tuyến cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ người dùng, nhưng chưa thể thay đổi được. Đó là quy định của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và chúng tôi chỉ là đơn vị triển khai theo yêu cầu từ khách hàng”.
Cũng theo vị đại diện này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chưa có kế hoạch tăng thời gian giữ vé của hệ thống bán vé tàu trực tuyến lên hơn 10 phút, và hệ thống hiện tại có khả năng đáp ứng cùng lúc 2 triệu lượt truy cập theo cam kết.
Sau 10 ngày mở bán vé tàu Tết Bính Thân 2016 trực tuyến, đã có 25.000 vé được bán ra, tương đương với lượng vé bán được tính tới ngày ngày 23 âm lịch các năm trước. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng vé này cao hơn gấp 2,5 lần.