Khởi đầu vòng loại, khi Xứ Wales, Áo, Bắc Ireland, Iceland đá đâu thắng đó, chễm chệ trên ngôi đầu bảng, có ý kiến cho rằng, vì suất dự VCK rộng mở nên các đội bóng lớn chưa vào guồng. Nhưng đến chặng nước rút, tất cả mới nhận rõ thành công của những đội tuyển trước đây bị coi là “lót đường” không phải ngẫu nhiên mà có. Làm gì có chuyện ăn may mà Bắc Ireland đứng đầu bảng F, Áo đứng đầu bảng G, Iceland nhì bảng A (thủng lưới 6 bàn/10 trận), Xứ Wales cán đích sớm ở bảng B. Đấy là chưa kể những Slovakia, Ba Lan, Albania… cũng đá rất xuất sắc để giành suất trực tiếp tới Pháp mùa hè năm sau.
Đội tuyển Áo ăn mừng thành tích xuất sắc tại vòng loại Euro 2016. Ảnh: Uefa.com.
Đánh giá về vòng loại này, tiền đạo Kyle Lafferty của đội tuyển Bắc Ireland khẳng định: “Chúng tôi luôn giữ niềm tin vào thực lực của mình. VCK Euro 2016 tăng số đội tham gia, đó là động lực và chúng tôi đã tận dụng tốt cơ hội. Không có may mắn nào hết bởi chúng tôi đã chơi hết sức”. Lafferty nói đúng bởi chính anh đã ghi 7 bàn thắng, góp công lớn giúp Bắc Ireland lần đầu dự một VCK Euro kèm theo tư cách đội đầu bảng.
Cách đây gần 20 năm, Euro 1996 đã rất kịch tính, sôi động, khi số đội tham dự VCK được nâng từ 8 lên 16 đội. Mùa hè 2016, số đội đá VCK sẽ là 24 đội và sự cạnh tranh sẽ được đẩy lên rất cao. Vòng loại đã chứng kiến vô số bất ngờ và VCK hứa hẹn quyết liệt hơn nữa. Chủ tịch UEFA Michel Platini từng bị chỉ trích về việc mở rộng quy mô VCK, nhưng bây giờ, sẽ chẳng còn ai nhắc tới chuyện này nữa. Đơn giản, các đội bóng nhỏ đã có thêm động lực, lại không hề nhờ tới may mắn để có suất dự VCK. Điều này chứng tỏ, khoảng cách trình độ giữa các nền bóng đá tại châu Âu đã được thu hẹp, thậm chí là không tồn tại.
Năm 2004, đội tuyển Hy Lạp từng gây bất ngờ lớn khi giành ngôi quán quân. Năm 2016, liệu có ai thấy ngạc nhiên nếu Áo, Bắc Ireland hay Xứ Wales vô địch? Câu trả lời có lẽ là không, nếu nhìn vào thành tích mà các đội bóng này đã đạt được tại vòng loại. Hãy nhìn vào các con số: Xứ Wales chỉ ghi có 11 bàn mà vẫn giành được 6 trận thắng bởi họ có hàng thủ quá xuất sắc (chỉ thủng lưới 4 bàn). Bắc Ireland là đội tấn công hay nhất bảng F với 16 bàn thắng ghi được. Còn Áo, ghi bàn nhiều nhất bảng G với 22 bàn, hơn Nga (21 bàn), Thụy Điển (15 bàn) để đứng đầu bảng sau 9 trận thắng, 1 trận hòa và chắc chắn không ai có thể nghi ngờ trình độ của họ.