Dân Việt

Bảo vệ chính nghĩa

30/06/2011 12:04 GMT+7
(Dân Việt) - “Hiệp sĩ” bắt cướp Nguyễn Tăng Tiên, còn được nhân dân thị xã Dĩ An gọi một cách âu yếm là Tiên “bánh mì”, đã bị bọn thủ ác trả thù bằng những nhát chém truy sát.

 Khi những tên côn đồ cướp giật được thả ra ngay chỉ sau 1 giờ bị anh Tiên truy bắt, thì việc đầu tiên chúng làm là thực hiện lời hăm dọa trả thù ngay ở đồn công an. Chúng đã làm thật. Tiên “bánh mì”, một chàng trai gốc nông dân quê Đức Phổ (Quảng Ngãi) là nạn nhân không phải đầu tiên mà cũng chưa phải cuối cùng của bọn bất lương.

Nhưng sự việc anh Tiên bị truy sát sau khi đã bắt được bọn cướp giật và bàn giao cho công an lại gióng lên một hồi chuông cấp báo: Liệu những “hiệp sĩ của chính nghĩa” có tiếp tục trở thành nạn nhân của bọn phi nghĩa, một khi họ không được chính lực lượng công an bảo vệ hữu hiệu và thật sự đứng đằng sau họ trong những hành động truy bắt cướp? Vụ việc đang được làm sáng tỏ, nhưng nỗi đau cô đơn của những người xả thân vì nghĩa, vì sự bình yên của nhân dân, của cộng đồng không thể không khiến chúng ta phải xót xa.

Lẽ ra, nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cho nhân dân phải được giao trọn cho lực lượng công an. Nhưng trong điều kiện lực lượng công an còn thưa vắng ở những địa bàn phức tạp, thì “thế trận nhân dân bảo vệ nhân dân” đã được chính những con em của nhân dân sẵn sàng lãnh trách nhiệm đi đầu.

Lâu nay, nhiệm vụ nguy hiểm ấy đã được san sẻ cho những người dân yêu chính nghĩa và dám xả thân bảo vệ dân gọi là những “hiệp sĩ”. Đã là “hiệp sĩ” nghĩa là “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, họ hành động như thế một cách vô tư. Ngược lại, khi chấp nhận hành động như vậy, họ đã tự chuốc vào mình bao mối nguy hiểm tiềm ẩn và lộ diện.

Ở đây, rất cần không chỉ là sự sẻ chia động viên của các cấp chính quyền và công an, mà còn cần những thiết chế bảo vệ hữu hiệu đối với những hành động nghĩa hiệp của các “hiệp sĩ”. Mọi sự thờ ơ, vô cảm trước những việc làm và những tai họa mà những “hiệp sĩ” phải gánh chịu đều không thể chấp nhận được, dù nó đến từ đâu. Mọi trách nhiệm đối với việc làm xả thân vị nghĩa của các “hiệp sĩ” đều là những hành động bảo vệ chính nghĩa.