“Mọi thứ đều phải lượng hóa thành chi phí. Nói cụ thể ra thì kết cấu giá dịch vụ y tế phải có cả chi phí nụ cười, lời nói ngọt của nhân viên y tế. Họ được đảm bảo về đời sống, đánh giá đúng công sức, trí tuệ thì sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái để phục vụ người bệnh” – ông Sơn cho biết. Theo ông Sơn, tăng viện phí theo giá thị trường sẽ thay đổi quan niệm “ban ơn” của nhân viên y tế cũng như thái độ “nhờ vả” của người bệnh.
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: D.l
Việc tăng viện phí là một bước nhằm chuyển đổi cơ chế tài chính Nhà nước “bao cấp” ngành y tế sang việc dùng ngân sách để hỗ trợ cho người dân. Ông Sơn phân tích, mỗi năm, Nhà nước dành khoảng 16.000 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên y tế. Còn khi đã đưa vào giá để BHYT chi trả thì 16.000 tỷ này sẽ dành để mua thẻ BHYT cho người dân, tiền đi lại, ăn ở, hỗ trợ các ca bệnh nặng, chi phí lớn…
Ông Sơn cho rằng, khi viện phí tăng thì người dân sẽ ngày càng bớt phải bỏ tiền túi để chi trả cho các vật tư bên ngoài. “Bộ Y tế và BHXH đã tính toán để đưa tất cả các chi phí cần thiết về vật tư, con người… vào giá dịch vụ. Bệnh nhân chỉ trả viện phí là được khám chữa bệnh theo đúng phác đồ điều trị, không phải mua thêm bông, thêm dây truyền… như trước đây. Đương nhiên, nếu ai muốn dùng vật tư xịn hơn, được ngủ giường tốt hơn thì phải trả tiền chênh lệch” – ông Sơn cam đoan.
Theo ông Sơn, nếu tính thêm chi phí trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật thì trong tháng 11-12, chi phí BHYT dự kiến tăng khoảng 30% so với các tháng trước. Còn đưa cả chi phí lương vào viện phí thì chi phí BHYT trong năm 2016 sẽ tăng 50-70% so với năm 2015. “Kết dư của Quỹ BHYT hiện nay là hơn 35.000 tỷ đồng nên Quỹ BHYT vẫn có khả năng “gồng gánh” được đến hết năm 2017. Tuy nhiên, sang năm 2018, theo lộ trình viện phí hoàn toàn tính theo giá thị trưởng (7/7 yếu tố cấu thành viện phí) thì BHXH phải tính đến việc tăng mức đóng BHYT. Mà Luật BHYT cũng đã quy định mức đóng có thể tăng đến 6% mức lương cơ bản” – ông Sơn cho biết.