Viện phí ở huyện cũng như Trung ương
Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), dự kiến tháng 11.2015, người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được hưởng cùng 1 mức giá dịch vụ khám chữa bệnh trên toàn quốc. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật). Người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng mức giá hiện nay.
Người dân trả viện phí tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Đàm Duy
Đặc biệt, nếu năm 2012, theo Thông tư 04, Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá còn Sở Y tế tự xây dựng giá và HĐND tỉnh phê duyệt tùy theo tình hình kinh tế địa phương. Còn trong lần tăng giá này, Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá cố định và các BV trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng. Theo ông Liên, việc mỗi tỉnh quy định một mức giá như trước đây dẫn đến vô lý là cùng hạng BV nhưng mức giá giữa các tỉnh khác nhau. Nhiều tỉnh miền núi, đông người nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí, tỷ lệ dân tham gia BHYT lớn nên HĐND mạnh dạn phê duyệt mức chiếm tới 85-90% giá khung. Còn các tỉnh khấm khá nhưng có tỷ lệ dân tham gia BHYT thấp nên phê duyệt mức giá thấp, có tỉnh chỉ 65% giá khung. Quyền lợi khám chữa bệnh của người dân giữa các tỉnh cũng không công bằng.
Theo thông tư, giá dự kiến tăng trong năm 2015 bao gồm: Giá khám bệnh (theo hạng BV); giá ngày giường (theo hạng BV và chuyên khoa, các khoa chi phí nhiều như cấp cứu, hồi sức sẽ được quy định cao hơn) và giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho các hạng BV.
Về việc viện phí tăng, bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Sơn La) cho biết, các ca chi phí phẫu thuật, thủ thuật thì ở Trung ương cũng giống như huyện, xã, từ việc tiêu hao vật tư đến con người. “Đơn cử, kíp phẫu thuật cho một ca mổ ruột thừa yêu cầu 5 người tham gia và các vật tư tiêu hao khác (thuốc, dịch truyền, máu…) như nhau trong khi đó giá mổ ruột thừa ở tuyến T.Ư được tính tiền triệu trong khi ở tuyến huyện và tỉnh chỉ vài trăm nghìn đồng. Như vậy chúng tôi càng mổ càng lỗ”. Việc áp “đồng giá” phẫu thuật, thủ thuật cũng giúp các bệnh viện, các tỉnh đỡ mất công tính toán, giảm được rất nhiều chi phí khi xây dựng giá.
Bệnh nhân là “sống còn”
"Viện phí tăng nhưng người có BHYT sẽ được chi trả từ 80-100%, do đó không gây khó khăn cho người dân. Còn đối với người chưa có thẻ BHYT nên có các giải pháp khác để giúp họ mua thẻ BHYT hơn là “dìm” giá viện phí xuống, khiến đa số người dân (73% dân số tham gia BHYT) cũng bị thiệt thòi do chất lượng khám chữa bệnh thấp”.
|
Bà Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, giá viện phí chưa tính lương, trong khi đó chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế không đủ để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của các BV. Đơn cử như BV Việt Tiệp hiện nay có 436 hợp đồng cán bộ do BV tự trích kinh phí chi trả.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tập – Giám đốc BV Việt Tiệp, Hải Phòng cho biết, hiện nay lương biên chế mà thành phố cung cấp chỉ 50 tỷ đồng, trong khi BV phải chi phí tới 120 tỷ đồng. Số biên chế do thành phố quy định chỉ đáp ứng 70% quy định của Bộ Y tế, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. BV có chỉ tiêu giường là 1.000 nhưng BV luôn phải kê 1.300 giường để bệnh nhân không phải nằm ghép. Tuy nhiên, kinh phí Nhà nước cũng chỉ cấp cho 1.000 giường, còn lại do BV tự xoay xở nên bệnh nhân cũng sẽ bị thiệt thòi.
Ông Tiến Sơn cho biết, áp lực duy nhất là các bệnh viện, nhân viên y tế sẽ phải tự chấn chỉnh về chất lượng để thu hút bệnh nhân, vì bệnh nhân là “sống còn” của cả bệnh viện. “Chỉ trừ khi chất lượng bệnh viện quá tệ, còn không lo bệnh nhân vượt tuyến khi giá viện phí “san phẳng”. Vì lên tuyến trên thì bệnh nhân sẽ phải đồng chi trả lớn. Viện phí tăng thì mọi người càng phải cân nhắc khi vượt tuyến” – ông Tiến Sơn khẳng định.
Bà Xanh cho biết, giải pháp tốt nhất là Nhà nước và địa phương phải tìm cách giúp người dân còn khó khăn tham gia BHYT. Khi đó viện phí tăng sẽ không ảnh hưởng lớn đến họ. Đối với người cận nghèo chưa có thẻ BHYT (3% dân số tỉnh), bà Xanh cho biết, thành phố đang có đề xuất trích ngân sách hơn 7 tỷ đồng để mua thẻ BHYT cho họ. Đối với nhóm nông-ngư-diêm nghiệp mới được hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ, Hải Phòng cũng sẽ có đề xuất tăng mức hỗ trợ lên. Theo ông Liên, dự kiến trong năm 2016, cả đối tượng chưa có thẻ BHYT cũng sẽ thực hiện theo mức giá mới này. Từ đầu năm 2016 cũng sẽ đưa thêm chi phí lương vào viện phí.