Từ 16,7 triệu lên 48 triệu đồng/người
Huyện Đơn Dương nằm phía đông bắc tỉnh Lâm Đồng, cách TP.Đà Lạt khoảng 30km, gồm 8 xã và 2 thị trấn, dân số hơn 99.000 người. Ngay sau khi T.Ư chọn Đơn Dương làm huyện điểm xây dựng NTM, tỉnh Lâm Dồng đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho huyện; vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.
Từ đó, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình triển khai hiệu quả như huy động sức dân trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, xóa nhà tạm, cải tạo, xây dựng nhà ở, nhà văn hóa… tại các xã Lạc Lâm, Quảng Lập, Lạc Xuân, Ka Đơn; mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoai tây, chăn nuôi bò sữa tại các xã Ka Đô, Đạ Ròn, Tu Tra…
Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại thị trấn Đran. Ảnh: Lê Kiên
Đến nay, bộ mặt của các xã đã đổi thay rõ rệt, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Nếu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 16,7 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,2%.
Theo Hội Nông dân (ND) huyện, hiện Đơn Dương có tới 6.431 hộ ND được công nhận là ND sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp xã đến T.Ư, tăng thêm 2.748 hộ so với năm 2008. Đặc biệt, nếu 5 năm trước, Đơn Dương chỉ có vài hộ ND sản xuất giỏi cấp T.Ư thì nay đã tăng lên trên 20 hộ.
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Hiện tỉnh Lâm Đồng đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt chuẩn NTM cấp tỉnh. Đây là mục tiêu ý nghĩa nhưng cũng đầy thách thức, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng. |
Nhờ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những năm qua, nền nông nghiệp Đơn Dương có sự phát triển vượt bậc theo hướng công nghệ cao, và trở thành vùng chuyên canh rau nổi tiếng tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, toàn huyện có 6.260ha rau, hoa sản xuất theo công nghệ cao; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đạt 150 triệu đồng, tăng gấp đôi năm 2010; trong đó có những mô hình đạt thu nhập đến 1 tỷ đồng/năm.
Thu nhập của ND ổn định, đời sống được nâng cao chính là điều kiện tiên quyết để bà con nơi đây nhiệt tình, chủ động đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh xây dựng NTM. Nhờ đó, huyện đã có 7 xã đạt chuẩn NTM, 2 thị trấn phát triển theo hướng văn minh đô thị. Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM tại đây đạt hơn 4.300 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi trao quyết định công nhận huyện NTM cho Đơn Dương mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã biểu dương những thành tích, kết quả đạt được trong xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tỉnh Lâm Đồng cần triển khai hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tập trung những lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết giữa hộ ND với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới và liên kết với doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu...