Dân Việt

Trồng đậu tương, không lo đầu ra

30/06/2011 12:02 GMT+7
(Dân Việt) - Việc nhà máy chiết xuất tinh dầu đậu tương đầu tiên ở nước ta ra đời đã mở ra cơ hội mới cho việc phát triển đậu tương thành một cây trồng chủ lực.

NTNN đã trao đổi với ông Trần Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quang Minh (QMC) về vấn đề này.

Theo đánh giá của ông, hiện nay lượng đậu tương sản xuất trong nước đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu?

- Chưa đáng kể lắm, chỉ khoảng mấy phần trăm, vì sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ. Do vậy, chúng ta vẫn phải nhập khẩu rất lớn, như năm 2010, phải nhập 2,5 triệu tấn bã (khô dầu đậu tương), tương đương 3 triệu tấn hạt, trong khi trong nước mới chỉ sản xuất được có vài trăm nghìn tấn. Quy đổi ra tiền, riêng việc nhập khẩu trên, mỗi năm chúng ta phải bỏ ra 1,7 tỷ USD. Ngoài nhập bã ra, chúng ta còn phải nhập cả dầu ăn nữa.

img
Thu hoạch đậu tương ở Hưng Yên.

Vậy một khi triển khai mở rộng diện tích đậu tương ra, QMC sẽ hỗ trợ và phối hợp với các địa phương thông qua hình thức nào, thưa ông?

img
Ông Trần Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quang Minh

- Theo tôi, để phối hợp làm tốt việc này, về phía chính quyền các địa phương cần phải hỗ trợ người nông dân về giống, đưa các giống mới (chuyển gene) vào trồng để tăng năng suất, tăng tỷ lệ dầu, kháng sâu bệnh. Điểm quan trọng nữa, theo tôi là Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Còn về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng cách đầu tư các máy thu hoạch, máy sấy để phục vụ cho quá trình thu hoạch đậu tương của người nông dân.

Được biết, QMC đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chiết xuất tinh dầu đậu tương tại Hưng Yên. Trung bình, mỗi năm nhà máy sẽ thu mua được số lượng bao nhiêu đậu tương?

- Hiện trung bình 1 tháng, chúng tôi phải nhập cho các nhu cầu là 40.000 tấn hạt, như vậy riêng nhà máy này có thể đảm bảo đầu ra cho một vùng nguyên liệu từ 300.000-400.000ha/năm. Như nhà máy chúng tôi hiện tại mới chỉ làm được 10% nhu cầu toàn quốc, nên dù có mấy triệu tấn hạt sản xuất ra, chúng tôi cũng thu mua được.

Sự hình thành của nhà máy sẽ là nền tảng khuyến khích tạo ra vùng nguyên liệu trồng đậu tương quy mô lớn trong nước, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định từ trồng cây đậu tương cho hàng vạn hộ nông dân Việt Nam.

Khi đậu được thu mua trong nước, thêm một lợi ích nữa cho người tiêu dùng là giá thành dầu ăn sẽ hợp lý hơn và chất lượng đảm bảo. Dầu ăn của QMC là dầu ăn sản xuất tại Việt Nam với 3 nhãn hàng dầu ăn là: Mr Bean, Oilla, Soon soon.

Năm tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng và xây dựng những nhà máy lớn hơn để phục vụ dầu và bã. Hiện tại nhà máy đang chuẩn bị hoạt động hết công suất thiết kế với tổng sản lượng ép mỗi năm gần 400.000 tấn.

Mặc dù Bộ NNPTNT đã triển khai rất nhiều biện pháp để phát triển cây trồng này ở miền Bắc, song vì sao vẫn không phát triển được?

- Như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân trước tiên là do giống. Đặc biệt là đầu ra, do không có nhà máy nào đứng ra thu mua, nên dân trồng không biết bán cho ai. Mặt khác, do không có hệ thống máy sấy, nên người dân mất rất nhiều công sức trong việc phơi sấy. Như chúng tôi có hệ thống máy sấy di động, nên khi có vùng nguyên liệu lớn, sẵn sàng đến thu mua hạt tươi của nông dân tại đồng, người dân không còn phải lo khâu phơi sấy nữa.

Đậu tương được đánh giá là cây trồng có giá trị, theo ông, người dân có thể làm giàu được từ cây trồng này?

- Hiện đậu tương đang có giá khoảng 10.000- 12.000 đồng/kg (gấp 2 lần so với thóc). Nhưng hiệu quả hơn cả là, không giống như trồng lúa khi trồng đậu tương, người dân phải đầu tư phân bón rất ít, công chăm sóc không lớn. Với giá trị như trên, trung bình mỗi ha, người dân có thể thu về 20 triệu đồng. Đồng thời, phải khuyến khích trồng trên quy mô lớn, để tạo ra giá trị gia tăng. Bây giờ, muốn sản xuất lớn, bà con nông dân phải liên kết lại với nhau. Chúng ta nên có phân công lao động, chỉ một số người đứng ra làm mới có giá trị, chứ không thể kéo cả làng đi trồng cả được.

Xin cảm ơn ông!