Dân Việt

Chờ quyết định của Chính phủ

30/06/2011 09:29 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm 29.6, NTNN đã phỏng vấn ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) về về việc Bộ NNPTNT đã có công văn xin điều chỉnh một phần diện tích của VQG Cát Tiên sang làm thuỷ điện

Hai Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chiếm diện tích rừng của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên do chính Bộ NNPTNT quản lý, vì sao Bộ lại có sự đồng ý cho việc triển khai các dự án này?

- Trước tiên, phải nói rằng hai Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được phê duyệt từ năm 2003, đến nay trên cơ sở có văn bản đồng ý của Chính phủ, đồng thời Bộ Công Thương cũng đã xin điều chỉnh tách Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 ra thành hai dự án, Bộ NNPTNT mới làm theo các quy định trong chức năng của mình.

img
Các chuyên gia khảo sát khu vực dòng sông tại VQG Cát Tiên.

Hơn nữa, quy hoạch này đã lấy rất nhiều ý kiến của các Bộ như TNMT, Xây dựng, rồi trực tiếp 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước. Trên cơ sở đồng ý của các bộ và các tỉnh như thế, Bộ NNPTNT đã tiến hành xem xét, khảo sát lại thực tế. Từ ngày 13 đến 17.4 vừa qua, đoàn của Bộ NNPTNT đã tiến hành khảo sát tại VQG Cát Tiên cùng với Bộ TNMT và đại diện 3 tỉnh.

img
Ông Trần Thế Liên

Như ông vừa nói, các bộ và 3 tỉnh đã có sự đồng ý về việc xây hai dự án thuỷ điện, nhưng được biết chính VQG Cát Tiên lại có văn bản phản đối các dự án này?

- Không có chuyện VQG Cát Tiên phản đối. Bây giờ phải xác định rõ Thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là thuỷ điện sau đập, tức lấy nước bao nhiêu, trả lại dòng sông bấy nhiêu, chứ không phải đào kênh giống như thuỷ điện khác, dẫn đến bị mất nước. Mặt khác, các thủy điện này không có độ chênh, mà rất phẳng. Diện tích chiếm dụng ngập nước của hai bên dòng sông là không lớn.

Chính lãnh đạo VQG Cát Tiên đã nói thẳng rằng, phần diện tích lấy để làm thuỷ điện của VQG là ở trong rừng chứ không phải vùng ven. Vì sao, Bộ NNPTNT lại cho vị trí đó chỉ là vùng ven?

- Phần dòng sông bị ngập, một bên là của rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, một bên là của VQG Cát Tiên. Phía bên rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thực tế bây giờ đã không còn chức năng phòng hộ nữa, mà người dân đã trồng điều, cà phê ở đó, còn bên VQG Cát Tiên, thì đúng là vẫn còn các thảm thực vật ở bên dòng sông.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, không phải là chúng ta lấy ít hay nhiều diện tích của VQG, mà từ việc xây dựng thuỷ điện đó, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ VQG có thể làm thay đổi sinh thái, dòng chảy?

- Tôi xin nói rõ, văn bản này mới chỉ là công văn xin ý kiến Chính phủ xem xét, quyết định. Còn sau này, nếu Chính phủ đồng ý, thì còn rất nhiều khâu phải triển khai như Bộ TNMT phải chủ trì việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, để từ đó xem liệu các dự án thuỷ điện này lợi ích kinh tế mang lại được bao nhiêu, mất mát về đa dạng sinh học bao nhiêu? Tất cả phải có đánh giá tác động môi trường được duyệt, mới xây dựng, hiện tại mới chỉ là quy hoạch.

Bộ NNPTNT có cho rằng, do cách xa khu vực xây dựng thủy điện, nên khu bảo tồn tê giác và sinh cảnh Bàu Sấu ít bị ảnh hưởng, nhưng các nhà khoa học lại không nghĩ như vậy?

Ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG Cát Tiên: 4 tác động tới VQG Cát Tiên

Có 4 tác động đến VQG Cát Tiên khi xây dựng thủy điện tại đây. Thứ nhất, các công trình thủy điện đều nằm trên khu vực sinh cảnh của Bầu Sấu và tê giác nên sẽ ảnh hưởng đến các khu vực này. Thứ hai, do nằm trên địa bàn rừng đặc dụng, khi thi công sẽ tác động, ảnh hưởng đến quần thể sinh thái trong rừng. Thứ ba, khi nước dâng lên, làm ngập thành lòng hồ, sẽ làm cho dân không đi lại được, nghiêm trọng hơn khi khu vực lòng hồ bị ngập sẽ giúp cho việc vận chuyển lâm sản ra dễ dàng hơn, dẫn đến việc lâm tặc sẽ vào phá rừng. Thứ tư, khi thi công sẽ có việc nổ mìn gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến động vật trong VQG, rồi công nhân dựng lán trại gần đó, tạo điều kiện cho nhiều người xâm nhập vào rừng hơn.

- Do quần thể tê giác nằm ở Cát Lộc, cách thuỷ điện 11km, nên ít bị ảnh hưởng. Hơn nữa, vừa rồi có một con tê giác ở VQG Cát Tiên bị chết, các cơ quan chức năng cũng đưa ra khả năng, có thể đây là con tê giác cuối cùng của VQG, rất có thể là không còn tê giác ở đây nữa. Đối với cây Bàu Sấu, cách thuỷ điện 25-30km, lại ở phía hạ du khi chặn dòng sông lại, mực nước chết sẽ chỉ giảm khoảng mấy cây số, rồi sẽ được bù lại mặt bằng, vì thế sẽ không gây ngập cho khu vực này. Nhưng đây mới chỉ là đánh giá chủ quan, còn tác động cụ thể như thế nào phải do các nhà khoa học đánh giá.

Trên lưu vực sông Đồng Nai hiện có khoảng 20 công trình thuỷ điện và đang “vây” VQG Cát Tiên. Nếu thêm hai dự án thuỷ điện nữa sẽ còn tác động rất lớn, Bộ đã đánh giá hết mức độ tác động của các dự án thuỷ điện mới này?

- Trước đây, Bộ Công Thương có đề xuất quy hoạch hai Thuỷ điện Đồng Nai 7 và 8. Riêng hai dự án này, Bộ NNPTNT đã phản đối kịch liệt do ở sát với VQG Cát Tiên và Bộ Công Thương cũng đã không quy hoạch hai dự án này. Còn về hai Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, thì vẫn cần phải chờ thêm đánh giá tác động môi trường.

Có ý kiến lo ngại, nếu cho phép làm thuỷ điện ở VQG Cát Tiên sẽ tạo thành tiền lệ không tốt, có thể dẫn tới việc các VQG khác cũng làm theo?

- Thực ra, Bộ NNPTNT có quan điểm rất rõ ràng, đối với các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ gây ảnh hưởng đến VQG, chắc chắn Bộ NNPTNT sẽ không đồng ý, như trước đây Bộ đã từng bác bỏ quy hoạch Thuỷ điện Chư Yang Sin hồi năm 2005.

Với một dự án còn rất nhiều tranh cãi, có thể nói là 50-50 như hiện nay thì quan điểm cuối cùng của Bộ NNPTNT như thế nào, Bộ có đồng ý hay không?

- Bộ chỉ có trách nhiệm báo cáo lên Chính phủ và quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Mất đa dạng sinh học

Tôi chưa có đầy đủ thông tin về Dự án Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nên không thể nói rõ về tác động của 2 nhà máy này tới môi trường, sinh cảnh của VQG Cát Tiên. Tuy nhiên, về mặt khoa học, việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện này chắc chắn sẽ làm mất đi đa dạng sinh học, tác động tiêu cực tới sinh cảnh của VQG Cát Tiên.

Xây dựng nhà máy thuỷ điện sẽ làm ngập rừng, diện tích ngập càng rộng thì sinh cảnh càng bị thu hẹp, thảm thực vật bị mất đi. Vấn đề là tác động tới môi trường, đa dạng sinh học tại VQG Cát Tiên của 2 nhà máy thuỷ điện ở mức độ nào cần có đánh giá hết sức khoa học, khách quan.

Tổng thư ký Hiệp hội các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam

 

Thẩm định chặt chẽ tác động môi trường

Về mặt khoa học, việc xây dựng nhà máy thủy điện chắc chắn ảnh hưởng gián tiếp tới sinh thái, môi trường VQG Cát Tiên. Việc xây dựng hệ thống thuỷ điện cũng “chặn” đứng việc di chuyển của các loài thuỷ sản, gây giảm sút đa dạng sinh học.

Cơ quan chức năng khi thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải hết sức cẩn trọng, tránh để xảy ra tình trạng xuất hiện các đoạn sông chết trên lưu vực sông Đồng Nai. Các cơ quan chuyên môn, quản lý phải giám sát chặt chẽ việc thi công, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện..

Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật