Dân Việt

Trung Quốc lại né vấn đề Biển Đông

Đức Hoàng (tổng hợp) 17/10/2015 06:36 GMT+7
Ngày 16.10, Trung Quốc khai mạc Hội nghị với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, Bắc Kinh đã cố tình né tránh không nhắc đến Biển Đông trong nội dung hội nghị.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ASEAN không chính thức (CADMIM), trong bối cảnh Hải quân Mỹ được trông đợi sẽ thách thức trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.

img

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẵn sang diễn tập hải quân với ASEAN trên Biển Đông. Ảnh:   Wikipedia

Mặc dù mục tiêu của hội nghị là “tăng cường lòng tin chiến lược và hợp tác thiết thực”, song trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn không hề nhắc đến các tranh chấp trên Biển Đông mà chỉ nhấn mạnh về mối đe dọa khủng bố, cực đoan, thiên tai… Ông Thường  khẳng định nước này sẵn sàng tiến hành các cuộc diễn tập chung với các nước thành viên ASEAN trên Biển Đông, nhằm thực hành các hoạt động như tìm kiếm-cứu nạn và xử lý những vụ đụng độ bất ngờ.

Ngoài ra, ông Thường Vạn Toàn cũng lưu ý rằng tất cả các bên cần quản lý và kiểm soát những nguy cơ bắt nguồn từ các vụ tranh chấp; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng tiến hành diễn tập chung với các nước ASEAN trên Biển Đông vào năm tới theo các quy định liên quan tới các vụ đụng độ trên biển, tìm kiếm-cứu nạn cũng như giảm nhẹ thiên tai.

Sau cuộc họp này sẽ là Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan), nơi các chuyên gia, lãnh đạo quân sự trên thế giới thảo luận về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề hàng hải và chống khủng bố.

Hãng tin AP dẫn lời ông Li Miangjiang - chuyên gia về an ninh khu vực tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng những diễn đàn dạng kiểu này để phổ biến quan điểm, giải thích các chính sách của Trung Quốc cũng như cải thiện hình an ninh của nước này. Ông nhấn mạnh: “Do hội nghị diễn ra ở Bắc Kinh, sẽ rất khó để bất cứ nước nào lên tiếng về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc”.

Trong khi đó, nhà phân tích Kim Fassler (Bộ Quốc phòng Mỹ) cũng cho rằng,  nếu cứ lấp liếm, thay vì đối thoại song phương thực chất ở CADMIM và Diễn đàn Hương Sơn, Trung Quốc sẽ không thể trấn an được ai về các ý đồ mờ ám của nước này trong khu vực.

Giới chuyên gia nói rằng, thời điểm này, Trung Quốc đang vận động nguồn lực tập thể từ truyền thông đến chính sách để phản đối mọi sự can thiệp bên ngoài vào vấn đề Biển Đông, kể cả liên quan đến an toàn hàng hải. Sau cuộc họp thường niên về quân sự và ngoại giao giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Mỹ và Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh cáo Bắc Kinh rằng, Washington sẽ đưa tàu chiến đến “bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, kể cả ở Biển Đông”. Dự kiến, những tuần tới, các chiến hạm của Mỹ sẽ đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa...

Gần như tức khắc, Trung Quốc đã lên tiếng tố ngược Mỹ “khiêu khích” và đe dọa sẽ trả đũa “mọi hành động xâm phạm lãnh hải”. Nhưng Mỹ khẳng định luật pháp quốc tế cấm tuyên bố chủ quyền xung quanh các đảo nhân tạo xây trên những rặng san hô ngầm và nửa nổi, điều mà Trung Quốc ráo riết thực hiện bất chấp luật pháp và sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế suốt một thời gian dài qua.

 Ông Daniel Kritenbrink - tân Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tiết lộ, kế hoạch tuần tra đã được Chính phủ Mỹ “bật đèn xanh”, là động thái cứng rắn để thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.