Lình xình giữa 2 nhân vật họ Hồ
Cho đến bây giờ trong tôi, câu chuyện của 2 ông Hồ Giáo - Hồ Phương vẫn còn như một giai thoại đẹp, một “nghi án” văn chương không cần hóa giải. Hai nhân vật họ Hồ trước đó nào đã gặp nhau… Thế mà người Quảng Ngãi - cụ thể là lãnh đạo tỉnh quê hương anh hùng Hồ Giáo đinh ninh truyện “Cỏ non” của Hồ Phương viết về anh Nhẫn - Hồ Giáo, nên có lần từng mời nhà văn vào thăm quê hương Hồ Giáo, còn nhà văn thì bảo nhân vật Nhẫn không phải lấy nguyên mẫu từ anh hùng Hồ Giáo…
Nhà văn Hồ Phương chắc chắn với tôi rằng, ông không viết về anh Hồ Giáo, mà nhân vật Nhẫn trong “Cỏ Non” là nguyên mẫu người lính cụ Hồ thời hòa bình hăng say lao động xây dựng đất nước trên miền Bắc, tại các nông trường trên Ba Vì, Tam Đảo…
Thiên hạ nghĩ vậy có lý của nó. Anh hùng Hồ Giáo là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ: Bài thơ “Gặp anh Hồ Giáo” của Tố Hữu, ca khúc “Bài ca anh Hồ Giáo” của Nhật Lai; phim “Chân dung một anh hùng” của đạo diễn Đinh Anh Dũng, “Cỏ xanh im lặng” của NSND Nguyễn Thước và phim “Người bình thường” của Đài TH Quảng Ngãi…
Một lần anh hùng Hồ Giáo ra Hà Nội họp, tôi đến chơi thăm ông lúc ông đang ở khách sạn La Thành, Hà Nội, ông kể: “Thời ông đang ở nông trường trên Ba Vì, có một nhà văn mời ông về Hà Nội chơi, hình như là ở Cầu Diễn thì phải và hỏi chuyện chăn bò gần mất cả một ngày. “Không biết người ấy có phải là Hồ Phương không. Tôi sau này cũng nghe nói là có người viết về tôi nhưng đến giờ tôi vẫn không thấy ổng tặng tôi cuốn sách nào”...
Chuyện lình xình giữa 2 nhân vật họ Hồ ấy thật dễ thương. Hồ Phương bảo: “Mấy năm trước, lần lên Sơn Tây chơi, bỗng dưng có người bảo tôi, ông Hồ Giáo kìa. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy, tay bắt mặt mừng, nhưng té ra đây là lần đầu tôi gặp ông ấy, thế mà ai đọc “Cỏ non” cũng bảo chúng tôi đã gặp nhau trước đó…”.
Nổi tiếng văn đàn từ năm mười tám tuổi
Nhà văn Hồ Phương kể: “Thời đi học, tôi đã cầm bút viết văn, từng viết cho tờ báo dành cho thiếu nhi. Truyện ngắn “Tiếng kèn gọi lính” từng đoạt giải thưởng… Kháng chiến bùng nổ, vào bộ đội, tôi bắt đầu tham gia viết bài cho các phụ san của đơn vị. Truyện “Lưỡi mác xung kích” in trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 khi tôi 17 tuổi như một cái mốc đưa tôi thật sự tham gia vào đời sống văn nghệ kháng chiến…”. Và truyện ngắn “Thư nhà” viết năm 1949 đã đưa Hồ Phương thành một tên tuổi, khi ông vừa 18 tuổi... Cái tên Hồ Phương ra đời do ông lấy họ Bác Hồ gắn với tên Phương là tên một người trong mộng thuở hoa niên mà thành...
Lần gần đây đến thăm nhà văn, thấy ông dạo này sức khỏe yếu đi nhiều so với vài năm trước. Cái chân đau đã hạn chế sự đi lại của nhà văn. Khi hỏi ông về cuốn tiểu thuyết “Quân khu Xà Cừ” mà trước đây ông dự định viết về đời sống thời chiến ở khu gia binh Nam Đồng, ông bảo: “Hồi này yếu mệt nên chưa thể viết. Đó là cuốn sách viết về mặt trận phía sau, nơi có những người đàn bà chinh phụ, nơi có những đứa trẻ nổi tiếng hư hỗn và thông minh là những đứa con của lính…”.
- Thế bác đã biết có một nhà văn viết cuốn “Quân khu Nam Đồng” chưa? Ban đầu tôi nghĩ là của bác? - Có cuốn ấy à? Của ai đấy! - Của một người Hà Nội bút danh Bình Ca. Ngẫm một lát nhà văn già như chợt nhớ ra: “Thôi! Có thể tên ấy là tên thường gọi của con trai nhà văn lớn bạn tôi thì phải. Mình nhớ ra rồi. Thôi cũng là tốt thôi. “Hậu sinh khả úy mà!”…