Cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía Tây, Chùa tọa lạc trên đỉnh đồi Tây Phương, hình đồi cong như lưỡi câu nên xưa gọi là núi Câu Lậu, cao gần 60m, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội.
Chùa được xây từ đời Nhà Mạc (1527–1592) mang tên Sùng Phúc Tự. Qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, Chùa được đại tu hoàn toàn và mang tên mới là “Tây Phương Cổ Tự” với hình dáng kiến trúc như ngày nay. Hai lần đại trùng tu gần đây nhất vào các năm 1991 và 1995. Dưới bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân đến từ khắp Xứ Đoài, Chùa vẫn bảo toàn nguyên hình dáng và các giá trị truyền thống.
Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song hình chữ “Tam” gồm: Bái đường, Chính điện và Hậu cung. Toàn bộ ngôi chùa luôn toát vẻ trầm lắng nhưng hoành tráng và phóng khoáng, phù hợp với triết lý “sắc sắc không không” của Nhà Phật.
Mỗi nếp nhà có hai tầng mái với dạng thức chồng diêm “hai tầng - tám mái”. Tường xây quanh chùa toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ để trần, tạo nên không khí thô sơ mộc mạc mạc mà kín đáo trang nghiêm, có những cửa sổ tròn với biểu tượng sắc và không…
Quanh diềm mái ba nếp nhà đều chạm trổ tinh tế hình lá triện cuốn và phía trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt như hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù...
Đặc sắc hơn cả là “sự bay vút” của các tàu đao mái, rất đa dạng về đường nét, hình hài… mang sức khái quát cao và khả năng truyền cảm lớn, ở tất cả các góc nhìn của Chùa.
Nguyễn Bình