Dân Việt

5 năm thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông đường thủy”: Giảm 52% số vụ tai nạn

Huỳnh Xây 20/10/2015 06:38 GMT+7
Hôm qua (19.10), tại TP.Cần Thơ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Theo đánh giá, cuộc vận động trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy.

Trong 5 năm thực hiện cuộc vận động, tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 516 vụ; làm chết 409 người, bị thương 65 người (so với 5 năm trước đó đã giảm 52,5% số vụ; số người chết giảm 55,3%; số người bị thương giảm 50,3%).

Đẩy mạnh xây dựng mô hình

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ngay sau khi cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (gọi tắt là cuộc vận động) được phát động, 45 tỉnh, thành phố trong cả nước đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Trong đó, có nhiều địa phương, thực hiện sáng tạo cuộc vận động bằng cách xây dựng các mô hình “Văn hoá giao thông đường thủy”. 

img

Nhân rộng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” sẽ  tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân. Ảnh: Người dân mặc áo phao khi đi phà  trên sông Hậu từ TP.Cần Thơ sang tỉnh Vĩnh Long.  Ảnh:  HUỲNH XÂY

“Theo số lượng thống kê của các địa phương, đến nay đã có đến 1.618 mô hình “Văn hoá giao thông đường thủy”, thu hút được hàng nghìn người dân tham gia. Địa phương thực hiện tốt là Bạc Liêu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Cần Thơ...” – ông Dương Ngọc Tiến – Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) thông tin. Cũng theo ông Tiến, Bạc Liêu là địa phương xây dựng được mô hình “Văn hoá giao thông đường thủy” nhiều nhất cả nước với 402 mô hình. Mỗi mô hình đạt từ 80% tiêu chí đặt ra. Trong quá trình triển khai, các địa phương trong tỉnh đã họp dân, phổ biến nâng cao nhận thức, vận động nhân dân cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa...

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông các địa phương, ngoài việc sáng tạo triển khai các mô hình, các địa phương còn tổ chức phát 386.860 áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho các bến đò và người dân sống ven sông; tổ chức trên 1,7 triệu lượt tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy, mở hàng trăm lớp đào tạo chứng chỉ chuyên môn đường thủy miễn phí cho nông dân…

Tiếp tục đầu tư hạ tầng đường thủy

Trong 5 năm qua, ngành chức năng các địa phương đã lập biên bản xử lý 927.057 trường hợp vi phạm về giao thông đường thủy; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 972 trường hợp; đình chỉ hoạt động 3.908 phương tiện, bến thủy nội địa.  

Ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) nhận định:  “Qua cuộc vận động, ý thức người dân khi tham gia giao thông được nâng lên. Vì vậy, thời gian tới, cuộc vận động này cần phải được triển khai mạnh hơn nữa. Ngoài ra, để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, các địa phương cũng cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thuỷ nội địa và nên xem đây là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên”.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian tới sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì thực hiện cuộc vận động, tiếp tục nhân rộng các mô hình “Văn hoá giao thông đường thủy”. Đồng thời, thường xuyên tổ chức họp, đánh giá rút kinh nghiệm chỉ đạo, giám sát, xây dựng mô hình, thường xuyên tổ chức tham quan học tập các mô hình có hiệu quả để trao đổi kinh nghiệm cũng như kiên quyết loại bỏ những mô hình không hiệu quả.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các địa phương trong việc triển khai cuộc vận động thời gian tới cần lưu ý kết hợp, lồng ghép thực hiện cuộc vận động với các phong trào khác như: Phong trào toàn dân  đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư; chương trình phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…