Tránh bị thu hồi danh hiệu
Nằm trong khuôn khổ chương trình của hội thảo xung quanh việc phát triển bền vững của di sản vịnh Hạ Long do Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức, nhiều vấn đề xoay quanh việc bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được bàn luận rất sôi nổi. “Hiện nay, UNESCO đã có danh mục những di sản thế giới có nguy cơ bị tổn hại. Từ khi UNESCO lập nên danh sách này, đã có 2 trong số 38 di sản trong danh mục đó bị rút giấy phép công nhận. Vậy Việt Nam có lo lắng việc danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nếu như việc kiểm soát bảo tồn không tốt sẽ bị thu hồi?”. Đó là câu hỏi được nhà báo James Fahn- Giám đốc mạng lưới nhà báo môi trường trái đất toàn cầu chia sẻ trong buổi hội thảo.
Ngư dân trở lại đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản tự phát, thiếu quy hoạch sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Mỵ Lương
Nhìn nhận từ thực tế những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý đối với di sản vịnh Hạ Long. Năm 2014, hơn 300 hộ dân sống trong vùng lõi di sản đã được di dời lên bờ và tái định cư ở phường Hà Phong (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Tuy nhiên, do đời sống của ngư dân nhiều đời gắn bó với biển, việc người dân trở lại đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản với phương thức tự phát, thiếu quy hoạch sẽ dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến di sản vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Văn Công- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh nhận định: “Từ lâu, nét văn hóa truyền thống của các làng chài đã trở thành một trong những yếu tố đặc sắc của vịnh Hạ Long, là tiềm năng quý giá để Quảng Ninh phát triển du lịch. Việc bảo tồn và phát triển bền vững vịnh Hạ Long phải đi đôi với việc gìn giữ những nét văn hóa trong phương thức sinh hoạt sản xuất do người dân Hạ Long tạo ra, trong đó bao gồm hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản”.
Cũng bám sát thực tế đời sống người dân, bà Nguyễn Thị Thảo- Phó phòng Phát triển tài nguyên du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngư dân được di dời lên bờ giúp họ ổn định cuộc sống. Đây cũng là biện pháp tích cực để bảo tồn vịnh Hạ Long trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước, rác thải từ các làng chài và tránh những tác động từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trong vùng di sản. Song điều này dẫn đến thực tế là ngành du lịch bị giảm sút vì không gian di sản vắng vẻ, hoạt động du lịch chưa tạo được sự hấp dẫn. Định hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh vẫn đang là bài toán khó”.
Gắn người dân với di sản
Để đảm bảo hài hòa giữa vấn đề bảo vệ cảnh quan và môi trường di sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển du lịch bền vững, dự án “Sáng kiến liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” (do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ kinh phí hơn 691.000 USD được triển khai). Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1.2015 đến tháng 6.2017.
Đại diện cơ quan chủ dự án, bà Hồ Thị Yến Thu- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) khẳng định: “Đến nay, dự án đã đi được nửa chặng đường. Đây là đòn bẩy tích cực nhằm thúc đẩy hình thành và thực hành phương thức hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan gồm nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ trong công tác quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững vịnh Hạ Long”.
“Dự án có ý nghĩa tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân làng chài trong độ tuổi lao động, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành du lịch. Điều này sẽ mở ra hướng nghiên cứu cho tour tuyến mới, đồng thời giúp sản phẩm tham quan chính không còn đơn điệu, thu hút khách du lịch đến với Hạ Long nhiều hơn” – bà Thảo cho biết.
Từ góc độ khác, TS Nguyễn Minh Sơn- chuyên gia Viện Công nghệ môi trường nhìn nhận: Cư dân làng chài là chủ đích thực của vịnh Hạ Long. Vì vậy, muốn bảo tồn, phát huy khai thác di sản cần tập trung đến họ, vì người dân trực tiếp, gần gũi nhất khi tham gia công tác bảo tồn, để họ vừa bảo tồn được giá trị của tổ tiên, thiên nhiên, vừa giữ được bản sắc.
“Tại sao tất cả những dự án trình diễn thí điểm có quốc tế tài trợ, chúng ta làm xong sau đó dừng lại mà chưa có sự bền vững? Nguyên nhân có thể do mong muốn của chúng ta chưa thực sự mãnh liệt và chỉ khi nào nó đánh vào miếng cơm, manh áo, sự sống của mình mới làm. Chúng ta vẫn phải tự lực, không nên trông chờ quá nhiều từ bên ngoài” - ông Sơn nói.
Dự án “Sáng kiến liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ với kinh phí hơn 691.000USD, trong đó vốn không hoàn lại khoảng 623.000 USD, vốn đối ứng hơn 68.000USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1.2015 đến tháng 6.2017. |