Từ tiếng mõ của dòng họ Sầm…
Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại ở bản Hạ Đông (Châu Cường), bỗng nghe vang lên chuỗi âm thanh như tiếng mõ, lại giống cả tiếng cồng. Chủ nhà giải thích đó là “tiếng mõ bình yên” được phát ra từ nhà văn hóa cộng đồng, báo hiệu đã đến giờ giới nghiêm. Đó cũng là tin thông báo với những người ở các bản làng khác rằng người Hạ Đông không còn tiếp khách từ giờ này, mọi việc sẽ giải quyết vào sáng sớm ngày hôm sau.
Chiếc mõ cổ của bản Hạ Đông (Châu Cường, Qùy Hợp) được dùng làm hiệu lệnh giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: K.C
Chiếc mõ này được làm bằng gỗ lim, dài chừng 100cm, đường kính khoảng 20cm và được khoét rỗng ở giữa như một chiếc hộp hình trụ giữ vai trò cộng hưởng âm thanh. Già làng Sầm Thanh Long cho hay, bác ruột của ông năm nay đã hơn 90 tuổi bảo rằng từ lúc còn bé xíu đã thấy chiếc mõ treo ở đầu nhà. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chiếc mõ được HTX Đại Cường dùng để báo hiệu tập hợp xã viên. Những năm giặc Mỹ ném bom miền Bắc, chiếc mõ được dùng báo động phòng không.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, chiếc mõ được hạ xuống và đặt dưới sàn nhà. Nhưng từ khi tình hình an ninh trật tự làng bản có những diễn biến phức tạp, người già trong bản đã đề xuất quy định về giờ giới nghiêm và lấy chiếc mõ lớn của dòng họ Sầm để phát hiệu lệnh.
… đến phong trào “Tiếng kẻng bình yên”
Chiến công đầu tiên trong phong trào “Tiếng kẻng bình yên” là rạng sáng ngày 1.8.2015, khi nhân dân bản Nhang phát hiện 2 đối tượng đi xe máy vào thời điểm đã quá giờ quy định. Thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn, bà con theo dõi thấy chúng lẻn vào nhà anh Sầm Văn Chi trộm tài sản, đã lập tức báo lực lượng an ninh và gõ kẻng báo động. Sau đó lực lượng an ninh và người dân bản Nhang truy đuổi bắt giữ 1 đối tượng. |
Người các bản khác thấy cách làm của Hạ Đông thật sự mang lại hiệu quả, lại giữ được trật tự an ninh bản làng, liền đề xuất với Ban quản lý bản mình đến để học hỏi.
Chị Lý Thị Hương - Trưởng bản Nhọi cho hay: “Bản chúng tôi có hơn 180 hộ, an ninh trật tự có lúc khá phức tạp, nhất là tình trạng thanh niên tụ tập vào ban đêm gây gổ với người đi đường. Phong trào “Tiếng mõ bình yên” ở Hạ Đông là cách làm hay nên bản tôi đã quyết định áp dụng theo mô hình này”. Không có chiếc mõ cổ như Hạ Đông, người bản Nhọi góp tiền mua chiếc kẻng sắt khá lớn, tiếng kẻng cũng vang rất xa.
Cùng với bản Nhọi, đến nay đã có thêm bản Đồng Tiến và Mường Ham cũng áp dụng mô hình của Hạ Đông và đổi thành “Tiếng kẻng bình yên”. Dự kiến trong năm nay, toàn bộ 11 bản của xã Châu Cường sẽ áp dụng và triển khai mô hình này. Anh Vi Văn Hiếu - Trưởng Công an xã cho biết, xã Châu Cường giáp ranh với 5 xã, trước đây tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, nạn trộm cắp trâu bò xảy ra liên tục, thanh niên thường tụ tập để gây gổ, chặn đánh người đi đường.
Có lúc, bà con trong xã không dám đi lại vào ban đêm, gây bức xúc trong dân. Theo đề xuất của bà con, các bản đã áp dụng mô hình “Tiếng kẻng bình yên”. “Từ ngày triển khai mô hình này, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã đã đi vào ổn định. Tình trạng trộm cắp, gây mất trật tự công cộng đã giảm xuống, người dân không còn lo ngại mỗi khi phải ra đường vào ban đêm như trước nữa” - anh Hiếu nói.