Gần 3ha trồng rau an toàn (RAT) của xã Định Liên được thí điểm trồng chủ yếu là ớt. Nhìn những quả ớt trĩu cành, ai cũng nghĩ đó sẽ là niềm vui lớn cho ND. Vậy mà, người trồng ớt mất ăn, mất ngủ cũng chính là vì những cây ớt trĩu quả kia.
Ớt… “đắng”
Người trồng ớt ở xã Định Liên phải nhặt ớt rụng mang đi đổ. |
Bà Nguyễn Thị Hương (thôn 1) cho biết: “Gia đình tôi thầu 2 sào, tất cả đều trồng ớt. Ban đầu HTX phổ biến với chúng tôi rằng, trên thị trường bây giờ loại ớt này đang có đầu ra rất tốt, xã sẽ cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu tới mỗi hộ gia đình đăng ký trồng thí điểm mô hình này. Ngoài ra, việc đưa cây ớt vào trồng, xã cũng đảm bảo cho chúng tôi là sẽ đạt, năng suất tương đương 3,5 tạ/sào (quy ra thóc). Nếu không đạt, xã sẽ bồi thường cho đủ số lượng đó. Thế nhưng, bây giờ ớt chín đỏ cây mà vẫn không biết bán cho ai”.
Tại ruộng ớt nhà mình, nhặt những quả ớt rụng dưới đất, bà Lê Thị Phương than thở: “Từ lúc ớt chín rộ đến nay chưa bán được quả nào nên đành để rụng. Mỗi ngày tôi nhặt trên dưới 20 thùng đem ra sông đổ, mỗi thùng khoảng 6kg”. Bà Liên cũng như các hộ trồng ớt ở xã Định Liên đang trong tình trạng “dài cổ” chờ thương lái.
Đầu tư lớn, hiệu quả bằng... không
Ông Nguyễn Văn Sỹ
Được biết, sản mức mỗi hộ thầu diện tích trông RAT ở đây phải nộp cho UBND xã là 2 tạ thóc/sào/năm. Đó là chưa tính đến tiền đầu tư các vật liệu khác cho sản xuất. Bà Phượng cho hay: “Tiền đầu tư vào đây khá nhiều, chỉ tính riêng tiền dây, cọc cũng 500-600 nghìn đồng/sào. Nếu tính cả tiền phân, thuốc sâu, tiền bơm nước thì khá lớn, trong khi đó hầu hết các gia đình ở đây chưa thu về được một đồng nào”.
Đứng tại ruộng nhà, bà Lê Thị Hoa (thôn 8) bức xúc: “Theo như phổ biến thì xã đầu tư cho mỗi hộ 3 bình thuốc trừ sâu/sào. Nhưng thực tế chúng tôi phải bơm đến 6 bình mới đảm bảo. Cứ 5 ngày phải bơm thuốc một lần, mỗi lần hết khoảng 100.000 đồng/sào”.
Nói về giá bán ớt, nhiều người phản ánh: “Xã Định Hải cũng trồng giống ớt này nhưng có thời kỳ bán tới 15.000 đồng/kg. Nhưng ở chỗ chúng tôi bây giờ các công ty mua 4.000 đồng/kg, còn thương lái mua 4.500 đồng/kg. Nhiều nơi mua còn yêu cầu cắt cuống”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sỹ – Chủ tịch UBND xã Định Liên cho biết: “Ban đầu khi quyết định đưa giống ớt lai vào trồng thí điểm ở khu đồng Lăng, chúng tôi thống nhất sẽ cung cấp giống, phân bón và thuốc trừ sâu cho ND. Về đầu ra của ớt, do đây là mô hình khảo nghiệm nên chúng tôi để cho dân tự do đem đi bán. Tuy nhiên, thấy người dân khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường nên mới đây xã giúp bà con tìm cơ sở để bán ở dưới xã Định Hải. Thống nhất giữa bên mua và bán là 3 ngày nhập ớt một lần, giá bán 4.500 đồng/kg không cắt cuống, ngoài những ngày quy định, người ta sẽ không cân mua, vì vậy người dân phải bố trí công việc để hái ớt đem bán đúng theo lịch”.
Về hiện tượng ớt rụng nhiều, ông Sỹ giải thích: “Quả thật là hiện nay ớt của bà con ND rụng rất nhiều, do bệnh thán thư. Tuy nhiên đây là loại bệnh thường gặp ở cây ớt, hơn nữa bệnh đã quá nặng, trong khi ớt đang thời kỳ thu hoạch nên phải hạn chế dùng thuốc hoá học. Chúng tôi cũng đã phối hợp với bên kỹ thuật tìm mọi cách để hạn chế hiện tượng này”.
Trịnh Bồng