Ông Lê Văn Thành – Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa – xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM,
Tổng kết 23 năm TP.HCM triển khai chương trình xóa đói, giảm nghèo, lãnh đạo thành phố cho rằng chất lượng cuộc sống người dân đang được nâng cao, là một nhà nghiên cứu xã hội, ông nhận định thế nào về điều này?
- Ngoài chương trình giảm nghèo, những năm gần đây thành phố còn triển khai Chương trình xây dựng NTM để nâng cao chất lượng sống cho người nông dân. Chương trình này bước đầu đã cơ bản hoàn thành, nhờ đó thu nhập của người dân nông thôn đã tăng lên đáng kể, góp phần rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn.
Thưa ông, đặc điểm nông thôn của TP.HCM vốn khác với nông thôn cả nước, vậy việc triển khai các chương trình nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn đang được triển khai như thế nào?
- Đặc điểm, tính chất nông thôn TP.HCM khác với nông thôn cả nước, khiến nông dân thành phố cũng khác với nông dân các tỉnh. Nông dân thành phố giờ có thể làm công nhân, dịch vụ mà không nhất thiết cứ làm nông dân. Điều này dẫn đến những định hướng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của thành phố có lúc mất phương hướng, mất tập trung. Nông nghiệp thành phố đang chuyển đổi lớn nhưng theo chiều ngang, nghĩa là lâu nay bà con làm nông nghiệp, giờ chuyển sang làm công nhân hay dịch vụ... Chứng tỏ nông nghiệp không có chiều sâu nên người nông dân không còn muốn bám trụ. Huyện nào có khu công nghiệp thì phát triển hơn huyện không có.
Thực tế là cơ cấu nông nghiệp trong nền kinh tế thành phố ngày càng giảm dần. Xét về xu hướng công nghiệp hóa, đây là điều đáng mừng nhưng tỷ trọng nông nghiệp thấp cũng phải tìm cách phát triển đúng hướng nhằm nâng cao đời sống nông dân.
Vậy theo ông, hướng hay giải pháp cụ thể là gì?
- Cái gốc của vấn đề là ở người nông dân. Vì vậy, công tác khuyến nông, khuyến ngư cần phải đủ mạnh để hướng dẫn nông dân biết cách làm ăn và có ý muốn làm ăn như vậy. Thời gian qua những thành tựu trong Chương trình xây dựng NTM của thành phố cho thấy rõ nét nhất là cơ sở hạ tầng, thu nhập tăng cao nhưng ngành nghề nông thôn vẫn chưa thực sự căn cơ, các tiêu chí khác như: Y tế, giáo dục, văn hóa... cũng còn hạn chế. Đây có lẽ do chương trình đang dàn hàng ngang mà tiến chứ không phải chọn ra một vài tiêu chí quan trọng, mang tính đột phá trước khi triển khai các tiêu chí khác.
Tôi nghĩ, nếu làm căn cơ ngành nghề ở khu vực nông thôn để tăng thu nhập cho người dân, thì chất lượng sống của bà con sẽ được nâng cao hơn nữa.