Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, doanh thu ngành Viễn thông Internet trong 6 tháng đầu năm 2015 của thành phố đạt 2.661 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách 234,9 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động Công nghệ thông tin, Điện tử đạt 4.332 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014, nộp ngân sách 89,3 tỷ đồng.
Riêng doanh thu về xuất khẩu phần mềm đạt 35,3 triệu USD. Ước tính, cả năm 2015, doanh thu ngành Viễn thông Internet đạt 6.154 tỷ đồng, doanh thu ngành Công nghệ thông tin, Điện tử đạt 9.720 tỷ đồng.
Những con số khổng lồ này cho thấy, thành phố đáng sống nhất Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, phản ánh nhu cầu gia tăng về internet, công nghệ thông tin, bao gồm các dịch vụ phòng máy. Ước tính mỗi năm Đà Nẵng có thêm khoảng 360 phòng máy đi vào hoạt động.
Đà Nẵng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của Internet nói chung và phòng máy nói riêng.
Do đó, không khó hiểu khi Đà Nẵng là một thị trường rất được các nhà cung cấp giải pháp quản lý phòng máy quan tâm. Được biết, thị trường Việt Nam có ba đơn vị lớn trong việc cung cấp phần mềm quản lý phòng máy là Gcafe, CSM, ISM, trong đó Gcafe là giải pháp quen thuộc hơn cả.
Hiện cuộc chiến giành giật thị trường giữa các đơn vị này cũng dần trở nên "nóng" hơn. Trong khi nhiều chủ phòng máy tại TP.HCM cho biết, họ thường nhận được điện thoại hoặc email chào mời sử dụng dịch vụ từ ISM; thì CSM vừa triển khai chương trình quảng bá riêng tại Đà Nẵng, gần đây nhất là chương trình “Đội đặc nhiệm CSM”.
Thậm chí, hồi giữa tháng 8 năm nay, những cuộc kiện tụng giữa các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý phòng máy đã xảy ra, gây không ít hoang mang cho các chủ phòng máy và làng game Việt. Đến hiện tại, cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết nhưng ghi nhận cho thấy, chiến dịch quảng bá bắt đầu được các đơn vị khởi động lại mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở TP.HCM, Hà Nội và giờ đây là Đà Nẵng.