Liên tục từ đầu năm 2011, theo các bản tin Fertecon, giá phân đạm trên thị trường quốc tế luôn diễn biến bất thường, giá bao gồm cước vận chuyển về khu vực Đông Nam Á từ mức 400USD/tấn vào tháng 1.2011 hiện nay đã tăng lên hơn 500USD/tấn (tăng hơn 40%). Đồng thời, do một số bất ổn tại các khu vực thị trường nên nguồn cung không ổn định và lượng hàng được tập trung sẵn để giao rất hạn chế.
Bám sát giá thị trường, PVFCCo hỗ trợ nông dân qua các hoạt động đóng góp cộng đồng. |
Tại thị trường trong nước, từ trước tháng 3.2011, giá bán đạm Phú Mỹ được định thấp hơn giá thị trường từ 10-15%. Do có sự chênh lệch giữa giá trong nước và giá quốc tế nên các doanh nghiệp kinh doanh phân bón khó triển khai nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu hàng, đầu cơ hàng, trong khi đến 50% lượng phân đạm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Trước tình hình trên, theo chủ trương đã được các bộ, ngành liên quan (bao gồm Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thống nhất tại 2 cuộc hội thảo về giải pháp bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối Đạm Phú Mỹ được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4.2011, bắt đầu từ quý II/2011, PVFCCo đã triển khai áp dụng chính sách bán đạm Phú Mỹ theo “giá trần” sát với giá thị trường, đăng ký và công bố giá rộng rãi, tăng giá có lộ trình nhằm tránh việc gây sốt giá, đầu cơ, tích trữ tại các đại lý trung gian và kích thích các doanh nghiệp khác nhập khẩu hàng bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Việc đạm Phú Mỹ được bán sát giá thị trường đã có tác dụng tích cực, đã khuyến khích và thúc đẩy các nhà kinh doanh phân bón tăng cường nhập khẩu để bổ sung thêm nguồn cung cho nhu cầu nội địa, giảm thiểu nguy cơ gây sốt giá.
Cụ thể, lượng phân đạm nhập khẩu trong tháng 4 đạt hơn 134.000 tấn, bằng 3 tháng trước đó cộng lại và tính chung cho cả quý II, lượng phân đạm nhập khẩu đạt hơn 200.000 tấn, cao hơn 60.000 tấn so với quý I, là sự bổ sung đáng kể cho nguồn cung trong nước. Riêng PVFCCo từ đầu năm đến 31.5.2011 đã nhập khẩu gần 80.000 tấn phân bón các loại.
Chính vì vậy, mặc dù Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng 1 tháng để sửa chữa bảo dưỡng (từ 15.5 đến 15.6.2011) và giá thế giới tăng với mức độ phi mã nhưng do lượng phân bón nhập khẩu về tương đối dồi dào nên thị trường trong nước đã không xảy ra hiện tượng thiếu hàng dẫn đến giá tăng đột biến.
Bên cạnh đó, lợi nhuận mà PVFCCo thu được từ việc bán sát giá thị trường được sử dụng trực tiếp vào việc hỗ trợ bà con nông dân thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình an sinh xã hội nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Dự kiến, trong quý III, PVFCCo sẽ cung cấp khoảng 250.000 tấn phân bón, trong đó sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 210 nghìn tấn, sản lượng nhập khẩu khoảng 46 nghìn tấn phân bón.
P.A