Phun thuốc diệt muỗi trên đường thuộc phường Vĩnh Nguyên (Khánh Hòa) vào sáng 20.10
Sáng 21.10, ông Nguyễn Ngọc Ban (82 tuổi, chủ hộ 91/20 Hoàng Diệu, Vĩnh Nguyên) kể: Khoảng 7h30 sáng 20.10, bà Đỗ Thị Nhung (80 tuổi, vợ ông Ban) đi bộ sáng chưa về. Cả nhà ông (gồm 4 người, tỏng đó có 1 cháu nhỏ 9 tháng tuổi) đang ngồi chơi trước thềm nhà thì xe phun thuốc diệt muỗi bất ngờ chạy tới, phun phà phà thuốc vào nhà, vào cả 4 người đang ngồi trước thềm.
Ông Nguyễn Ngọc Ban kể lại thời điểm cả nhà ông bị phun thuốc diệt muỗi vào người gây ói mửa, ngấy xỉu.
Cả 4 người choáng váng ói mửa. Con rể ông phải ôm cháu bé 9 tháng tuổi đang ói mửa dữ dội chạy lên tầng trên. Cháu nội ông thì vừa ói vừa chảy máu cam. Ông Ban cũng ói. Lúc này bà Nhung vừa về tới nhà đã ngã nhào ra bất tỉnh. Theo ông Ban, bà Nhung vốn bị hẹp van tim hai lá.
“Chân tôi què, vừa nôn nao ói mửa vừa phải nhào tới hô hấp nhân tạo cứu cho vợ. Thật không còn gì khổ hơn, tôi giục cháu gọi ngay cho con trai kêu xe cấp cứu 115 tới. Chỉ chậm vài phút thôi là bà ấy chết…”, ông Ban kể.
“Tôi biết chính quyền quan tâm đến phòng bệnh cho dân nhưng tôi yêu cầu phải làm cho đúng. Trước khi đi phun phải báo cho dân, ở đây nhà ống, lại ở trong con hẻm nhỏ mà tôi thấy dùng xe phun thuốc rất nhiều, rất mạnh. Hôm Chủ nhật (ngày 18.10) vừa rồi họ đi phun tay thì có báo cho dân mà hai ngày sau (20.10) lại phun xe nhiều như vậy mà chẳng thấy báo gì cả”, ông Ban nói.
Hai vợ chồng ông Lê Xuân Thanh kể lại sự việc
Cách đó vài nhà, ông Lê Xuân Thanh (77 tuổi, thương binh 2/4) cũng ngất xỉu phải chở đi cấp cứu. Ông Thanh kể, khi xe xịt thuốc chạy lượt đi, ông vừa bước ra đến sân thì xe lại quay trở lại phun thuốc vào thẳng nhà. Ông Thanh thấy choáng, quay trở vào trong thì ngã lăn ra bất tỉnh. "Tôi từng bị dị ứng kháng sinh gần chết nhưng lần này còn nặng hơn. Vợ tôi liền lấy ống thuốc hen xịt vào họng tôi thì tôi thấy đỡ hơn chút nhưng chỉ 2 phút sau thì bị trở lại, không thở nổi và ngất…”, ông Thanh kể.
“Tôi vốn có tiền sử bệnh hen. Khi đó tôi cũng ngợp lắm nhưng thấy ổng bị vậy nên phải xông vào cứu. Ông ấy trợn mắt trắng dã, tím tái. Con trai, con dâu tôi đang ói mửa dữ dội cũng phải cố lao vào cứu bố, chở bố ra trạm xá…”, vợ ông Thanh kể.
Sau khi cho ông Thanh chở ô xy, trạm y tế đã gọi xe cấp cứu 115 đưa ông lên bệnh viện tỉnh.
“Ở đó bác sỹ cấp cứu nói bị co thắt phế quản cấp, họ tiêm cho ông ấy 1 mũi vào ven và một mũi vào mông, thuốc chống dị ứng”, vợ ông Thanh kể.
Ông Lê Xuân Thanh: “Sau khi bị thuốc diệt muỗi phun vào người, tôi thấy choáng, quay trở vào trong nhà là ngã ra bất tỉnh luôn”
Sáng 21.10 trả lời phóng viên báo Dân Việt, ông Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, khi tình hình dịch bệnh tăng cao thì buộc phải dùng biện pháp phun thuốc như thế này mới diệt hết được muỗi trưởng thành. Đây không phải là lần đầu tiên sử dụng biện pháp này ở Khánh Hòa nên cán bộ y tế rất có kinh nghiệm và thời gian, kỹ thuật phun bảo đảm đúng quy trình hướng dẫn của cấp trên.
“Nay có những trường hợp như thế này thì tôi nghĩ chỉ còn cách là chỉ khi có cam kết của người dân là không bán hàng quán, đưa hết đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thuốc ra khỏi vùng thì mới phun. Nhưng làm như thế khó quá vì buộc được người dân không buôn bán rất khó hoặc để dân nghe hiểu hết đầy đủ thông tin để chấp hành cũng rất khó, trong khi tình hình dịch bệnh đang cấp bách. Tuy nhiên, qua việc này, Sở Y tế cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quyết liệt hơn trong việc này”, ông Minh nói.