Như dân Quảng Bình, vùng đất hẹp từ núi đến biển chỉ 50 cây số mà hầu như tất cả gánh nặng và tai họa của hai cuộc chiến tranh đều đi qua, chà đi xát lại hơn 30 năm. Người dân Quảng Bình chịu đói chịu rét, nhường cơm sẻ áo cho bộ đội hết đi vào rồi lại đi ra, năm này tháng khác. Đức hy sinh ấy không chỉ ở Quảng Bình.
Nhưng ngày nay sao thấy vắng nhiều đức hy sinh, nhất là trong hàng ngũ cán bộ, những người đã "tự nguyện" làm đầy tớ nhân dân. Dân chúng, nhất là nông dân vẫn có nhiều tấm gương rạng ngời như nhường đất làm đường, làm trường học, cất công đi làm từ thiện và không ít người hy sinh tính mạng cứu người. Xem ra, dân ta vẫn là dân ta, truyền thống văn hóa tốt đẹp trong đó có đức hy sinh vì đại nghĩa vẫn còn đó, vẫn chảy trong huyết quản dòng máu cha ông. Nhưng tại sao họ bỗng thành của hiếm và lối sống, nếp nghĩ vô cảm vẫn làm chua xót lòng người ở khắp nơi?
Đó là câu hỏi lớn không dễ gì trả lời được. Phải chăng chúng ta đang sống trong thời kỳ rối loạn kỷ cương, xuống cấp đạo đức, đạo lý? Phải chăng dân không còn hồ hởi tin vào cán bộ, những người họ từng tin yêu như trước đây vì bản thân những người dẫn đường thiếu gương mẫu, thiếu đạo đức?
Nước Nhật sau thảm họa sóng thần và động đất, nhiều kỹ sư già đã và đang sôi sục tình nguyện xông vào những nơi nguy hiểm chết người như nhà máy điện hạt nhân để tham gia sửa chữa. Truyền thống samurai (võ sĩ đạo) của người Nhật tôn trọng danh dự, không quay mặt trước thảm họa của đồng loại vẫn tồn tại, đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Dân ta đã sẵn có truyền thống biết hy sinh, chỉ cần tạo được cảm hứng cao cả để khơi dậy trong những tình huống tồn vong của đất nước bị thách thức. Ngư dân miền Trung vẫn sẵn sàng ra khơi, để giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Dân đòi hỏi những người được họ bầu ra, cử ra cũng như đội ngũ lãnh đạo họ thực hiện đạo lý "khổ trước dân, vui sau dân" thì nguồn cảm hứng hy sinh lại tuôn trào...
Nguyễn Quang Thân