Dân Việt

Cuộc đời đẫm máu và nước mắt của kiểm lâm

01/07/2011 16:24 GMT+7
(Dân Việt) - Vườn quốc gia Bến En thuộc huyện Như Thanh (Thanh Hoá), nổi tiếng với 1.389 loài thực vật có 1.004 loài động vật, 66 loài thú (với 29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam). Cũng chính bởi sự nổi tiếng đó mà cuộc đời các kiểm lâm viên ở đây đẫm máu và nước mắt.

Năm 1995, một chốt kiểm lâm ở Vườn quốc gia (VQG) Bến En có 3 người thì 2 người bị bắn chết, 1 người bị thương.

Sự nguy hiểm và nỗi cô độc

Chuyện đơn giản chỉ xuất phát từ... một tên ăn trộm bò, dắt cả bò mẹ lẫn bê con. Anh em thấy nghi nên giữ lại để báo công an xã. Lợi dụng các anh đang ăn cơm, tên lưu manh nhào vào cướp khẩu AK47 dựng ở sân, lia một băng rồi vứt súng bỏ chạy vào rừng. Sau đó người bị thương nói rõ tên kẻ tội phạm. Hắn ở ngay trong khu vực VQG, và bị tóm ngay trong ngày.

img
Gỗ trong rừng ở VQG Bến En bị lâm tặc đốn hạ rồi bỏ lại.

Anh Lê Đức Thuận - Giám đốc VQG Bến En đưa chúng tôi và anh Chiến "đổ bộ" lên một chốt kiểm lâm tương tự như cái chốt kiểm lâm bị tên lưu manh ấy tấn công. Một chùm giâu gia rừng, héo tím tái trên bàn ghép bằng cây rừng. Mấy chiếc chén uống nước chỏng chơ bên một ấm nhôm đun nước. Vật dụng duy nhất của nền công nghiệp điện tử là chiếc radio bán dẫn treo toòng teng dưới mái nhà. Nó im lặng, nghĩa là các chủ nhân đang đi tuần rừng. Bên trái "nhà khách" là một giàn dây leo cằn cỗi, duy nhất có một quả lặc lè treo lủng lẳng. Phía phải "gian nhà khách" là một giàn mướp cũng cằn cỗi như thế.

Chỉ leo hai bước chân là tới "nhà". Giơ tay vén tấm vải nhựa xanh thay cho cửa, tôi thấy một sàn bằng cây, cách mặt đất chỗ cao nhất chừng 70cm, chỗ thấp nhất chừng 30cm, bởi đất dưới sàn dốc nghiêng. Mấy tấm gỗ to nhỏ, so le xếp thành “giường”. Các anh giải thích làm giường sàn để chống rắn độc, nhưng lại nói ngay, rắn vẫn bò lên được. Trần "nhà" cũng căng bằng vải nhựa xanh mà các anh gọi là vải bạt, trên lợp lá cọ. Không điện lưới. Không điện ắc quy. Không hòm tủ...

Nhìn cảnh ấy, đầu tôi chợt hiện lên mấy câu thế sự: Đau hơn cả nỗi đau là nỗi khổ/ Đau hơn cả nỗi khổ là nỗi cô độc/ Đau hơn cả nỗi cô độc là bị quên lãng.

Các anh kiểm lâm không có gì phải đau, phải khổ, nhưng điều kiện sống như thế này là quá khốn khó. Các anh cũng không cô độc. Mỗi chốt đều có 3 người cơ mà. Các anh cũng không bị lãng quên. Mọi liên lạc vẫn được giữ với trạm, với Ban giám đốc qua điện thoại di động cơ mà! Nhưng sự đơn điệu, nhàm chán, sự vất vả thiếu thốn trong đời sống xã hội hôm nay với bao nhiêu tiện ích sinh hoạt, phương tiện nghe nhìn thì khó có nghề nào đơn điệu, nhàm chán, vất vả và thiếu thốn bằng. Bến En có 6 chốt sống và ăn ở như thế.

“Diệt” rừng mà sống

Không biết có nơi nào dân sinh sống lẫn trong VQG như Bến En? Nơi đây hiện còn 9 thôn với hơn 2.000 người của 350 hộ ở ngay trong vùng lõi. 10.000 hộ với khoảng 3.000 người ở vùng đệm. Ấy là chưa kể diện tích VQG đã bị gặm nhấm dần bởi chính các quyết định cắt đất cho dân canh tác. Năm 2002, VQG Bến En bị cắt 1.200ha. Ngay năm ngoái thôi, UBND tỉnh lại cắt hai lần, lần đầu 200ha, lần sau thêm 200ha nữa để Tỉnh đoàn thành lập làng thanh niên lập nghiệp. Anh Lê Đức Thuận còn ngao ngán hơn nữa khi tỉnh đang dự kiến sẽ cắt 400 - 500ha nữa cho dân vùng lõi làm đất canh tác, chứ không phải di dân vùng lõi ra đấy.

Tuy trong tờ gấp của VQG Bến En giới thiệu về mình vẫn kể có hổ, voi trong hệ động vật của vườn. Không biết dự án điều tra về hổ (Cục Kiểm lâm, Trường ĐH Lâm nghiệp và VQG Bến En tiến hành) năm 1999 kết quả thế nào. Nhưng nếu trung thực thì kết luận chắc chắn phải là: Hổ, voi ở Bến En chỉ còn là... hoài niệm.

Người dân ở trong rừng, không có cách gì sống ngoài bám vào rừng. Sáng ngủ dậy lên rừng, tối mới về nhà, tha về đủ thứ sản phẩm của rừng. Củi khô đun nấu đã đành, cây thuốc, mớ lá chè vàng đã đành. Còn cầy, cáo, chồn, hoẵng, dúi, lòi (lợn lòi)... nữa chứ.

Hơn chục cửa hàng ăn ở thị trấn Sung, cửa hàng nào chẳng có món thịt thú rừng. Lo nhất là đi tay không, về tay không, tức là cưa, rìu giấu trong rừng, đốn cây xong giấu trong rừng, đợi khi nào thuận tiện thì mang đi.

Người ta chở bằng ô tô, xe máy. Người ta ngâm dưới bùn ao cho cũ đi, ra cái điều gỗ không phải gỗ mới khai thác mà là gỗ từ đời cha ông để lại, giờ túng mới đem bán. Người ta pha cắt thành những bộ phận chưa hoàn chỉnh để cãi rằng, đây không phải là gỗ mà là bộ phận cái bàn, cái ghế bán thành phẩm. Người ta chế ra súng bắn đạn, súng bắn tên, các loại bẫy, nỏ... Ngay trong vùng đệm (trước là vùng lõi) mà một dạo có hẳn một xưởng xẻ gỗ ngang nhiên hoạt động...

Mấy năm trước, khi về làm giám đốc VQG Bến En, anh Thuận kiên quyết siết chặt quản lý, không để tình trạng chảy máu rừng. Mất miếng ăn, lâm tặc tạo hiện trường giả, tố ngược anh. Các cấp các ngành chức năng xúm vào kiểm tra, kiểm điểm. Thuận chẳng tơ hào tí ti gì của công. Cảnh sát hình sự vào cuộc, khám xét xưởng gỗ của tên nọ, moi ra bao nhiêu là gỗ lậu. Vụ án bị khởi tố...

--------------

Bài 2: Nỗi kinh hoàng của lâm tặc