Dân Việt

Quốc hội thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát: “Dê lạc vào nhà bí thư mà không biết thì giám sát gì?”

Ngọc Lương 22/10/2015 06:36 GMT+7
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã ví von như vậy khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) vào chiều 21.10.

Quy định rõ chức danh trả lời chất vấn

Góp ý cho dự luật, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã đề cập đến quy định trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và HĐND. Theo ĐB Nghĩa, tại các luật liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND  đều quy định những trường hợp chịu sự chất vấn cụ thể, liên quan đến những  nội dung cụ thể. Tuy nhiên, thực tế tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND có nhiều đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND, nhưng những người trả lời chất vấn lại là Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch UBND. Lý do được đưa ra là không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn và cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội và HĐND.

img

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hoàng Long

"Cần quy định rõ các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội và HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời chất vấn" - ĐB Nghĩa góp ý.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Huỳnh Nghĩa, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh thêm: Chất vấn cấp trưởng là cấp trưởng phải trả lời. Hiện nay, có tình trạng là cấp trưởng ngồi ở cuộc họp chất vấn nhưng cấp phó  lại phải trả lời là không đúng. Theo ĐB Thuyền, cấp trưởng chỉ được ủy quyền trả lời chất vấn khi  vắng mặt vì lý do chính đáng như đi công tác nước ngoài, ốm đau...

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, cơ quan thẩm tra dự án luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ bổ sung vào dự thảo luật một số quy định mang tính nguyên tắc về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, còn các vấn đề cụ thể khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Không đồng tình với nội dung này, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, có 4 nội dung cần được quy định trong luật. Đó là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, thứ hai là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, thứ ba là các mức tín nhiệm và thứ tư là hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.

Chuyển đơn và chờ... hồi âm

"Chất vấn cấp trưởng là cấp trưởng phải trả lời. Hiện nay, có tính trạng là cấp trưởng ngồi ở cuộc họp chất vấn nhưng cấp phó phải trả lời là không đúng.  Cấp trưởng chỉ được ủy quyền trả lời chất vấn khi nào cấp trưởng vắng mặt vì lý do như công tác nước ngoài, ốm đau...”

ĐB QH Nguyễn Bá Thuyền

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã đề cập đến vấn đề chức năng của Đoàn ĐBQH trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo ĐB Sinh, thực tế hiện nay các Đoàn ĐBQH nhận được rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân nhưng việc tổ chức thực hiện giám sát, giải quyết hầu như rất ít thực hiện. "Chủ yếu là giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo,  nghĩa là chuyển đơn rất chờ hồi âm. Người dân bí không biết gõ cửa ở đâu, tìm đến ĐBQH thì ĐB cũng chỉ làm được việc chuyển và chờ hồi âm. Như thế là không hợp lý" - ĐB Sinh nói. Từ phân tích trên, ĐB Sinh kiến nghị, dự luật cần quy định rõ hơn thẩm quyền của Đoàn ĐBQH trong việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong trường hợp Đoàn ĐBQH nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của công dân nhưng ngoài phạm vi địa phương thì phải xử lý.

Đề cập đến vấn đề giám sát, ĐB Nguyễn Bá Thuyền ví von: Chúng ta đi giám sát cho người nghèo nhưng dê "lạc" vào nhà bí thư mà không biết thì cũng gay (vụ việc 12 con dê hỗ trợ cho hộ nghèo nhưng sau đó được phát hiện ở trong trang trại của Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa - PV). Giám sát ngoài nghe báo cáo, cũng phải nghe đối tượng thụ hưởng. Chính vì thế trong dự luật phải quy định cụ thể, chặt chẽ, nếu không người thực hiện giám sát sẽ rất qua loa.

Cũng cho ý kiến về vấn đề giám sát, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, dự luật cần phải bổ sung thêm một số phương thức giám sát để thực hiện cho tốt hơn. ĐB Đương cho hay, đoàn giám sát có trách nhiệm phải nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung giám sát. Ví dụ giám sát vụ án oan sai thì phải có hồ sơ, trực tiếp đi gặp và hỏi người bị giam, các điều tra viên... để xem họ nói về vấn đề này như thế nào. Thứ hai, đoàn giám sát ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, nghe báo cáo thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát phải tự thanh tra, kiểm tra và thông báo lại cho đoàn giám sát biết được kết quả thanh tra đó. 

Chỉ 4 người phát biểu, Quốc hội nghỉ họp sớm

Sáng 21.10, tại phần thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kế toán (sửa đổi), chỉ có 4 đại biểu đăng ký phát biểu gồm: Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Trần Du Lịch (TP.HCM), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) và Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang). Các ý kiến của 4 đại biểu về cơ bản đều tán thành với những nội dung báo cáo giải trình tiếp thu mà dự thảo luật đã chỉnh lý. Sau đó, do không còn đại biểu nào đăng ký phát biểu, đến hơn 9 giờ, Quốc hội đã nghỉ họp.      

L.K