Minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này là chuyện con tôm thường xuyên bị phát hiện có dư lượng hoá chất, kháng sinh trong sản phẩm xuất đi; gần đây nhất là vụ phát hiện chất cấm trong cá rô phi của Việt Nam tại Úc. Một chuyên gia thủy sản nói: “Người tiêu dùng trong nước đã có cảm giác sợ đối với một số sản phẩm do chính thị trường mình làm ra”.
Người dân phường Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) thu hoạch cá tra. Ảnh: HUỲNH XÂY
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, thời gian gần đây ngành thủy sản chưa mấy lạc quan, theo đó, TPP chưa hẳn sẽ giúp ngành này đạt kết quả như kỳ vọng. “Trong TPP vẫn đâu có loại trừ việc chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, nghĩa là Việt Nam không có khả năng thay đổi được vụ kiện mà chỉ có thể lựa chọn quốc gia tính thuế thôi” - ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ giải thích.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, theo ông Dũng, thời gian qua, một số thị trường thuỷ sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản có sức mua yếu, lý do là suy nghĩ của họ về thủy sản nước ta không còn tích cực như trước đây (thuốc kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi - PV). Vì vậy, vấn đề là nội tại chúng ta phải có những thay đổi, làm sao để xoay chuyển tình thế, chứ TPP không thể cứu vãn được. “TPP không thể nói với người tiêu dùng nước ngoài rằng ông phải mua nhiều cá của Việt Nam” – ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng nhìn nhận: Có thể khi TPP chính thức có hiệu lực, nông nghiệp nước ta có khả năng từ chỗ hơi lạc quan sẽ thành chỗ thua cuộc. Và người tiêu dùng trong nước có thể sẽ không hào hứng đối với sản phẩm của chính quốc gia mình nữa bởi vì nó còn quá nhiều yếu tố độc hại. Để khắc phục thực trạng này, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách đặc thù đối với việc kiểm soát sản phẩm trong nước để người tiêu dùng an tâm, tin tưởng hơn đối với chính sản phẩm nội địa thông qua các biện pháp hỗ trợ cho DN, người sản xuất.