Tôm nhập tăng, tôm nuôi giảm
Có thể thấy danh sách các đối thủ cạnh tranh chủ yếu với ngành tôm xuất khẩu của nước ta là Thái Lan, Indonesia, Bangladesh và cả 2 gã khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ đều đứng ngoài TPP. Như vậy, cánh cửa xuất khẩu với mức thuế quan thấp vào các thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Canada sẽ là “độc quyền” của Việt Nam. Thế nhưng, cũng có lo ngại cho rằng, các nước trên sẽ đưa nguyên liệu tôm vào Việt Nam để chế biến rồi lại xuất khẩu ngược trở lại nước họ, và hậu quả là nông dân Việt vẫn chẳng lợi gì.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Fimex Việt Nam (Sóc Trăng). Ảnh: T.H
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, nhiều năm qua, Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường tiêu thụ lớn của các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường lớn chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm và khoảng 20 – 22% giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra.
Tuy nhiên, để có đủ tôm xuất khẩu, các DN trong nước đã phải nhập khẩu một lượng lớn tôm nguyên liệu từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… Ông Nguyễn Văn Kịch – Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho rằng, về nguyên tắc, DN được yêu cầu khai báo chính xác xuất xứ nguồn nguyên liệu khi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu này hiện nay còn... tùy vào từng DN.
Theo ông Kịch, những ưu đãi về thuế quan có thể sẽ dẫn tới việc các DN xuất khẩu thủy sản lớn từ các nước chuyển sang mở cơ sở chế biến ở Việt Nam. Sau đó, các DN này nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất, xuất khẩu, biến Việt Nam trở thành một “công xưởng” chế biến đúng nghĩa và đương nhiên, chỉ có DN chế biến được hưởng ưu đãi từ TPP, còn nông dân - người sản xuất trong nước lại “đứng ngoài cuộc”.
“Những vấn đề này chắc chắn các nhà hoạch định chính sách, cơ quan đại diện đàm phán các nước đã phải nhìn thấy và có cách giải quyết. Còn về phần DN là phải tiến tới tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách giảm giá thành, tăng chất lượng… thì mới có thể cạnh tranh được” - ông Kịch nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện tại, chuỗi liên kết trong sản xuất của con tôm Việt Nam chưa rõ ràng nên khi yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Các DN nhập khẩu do đó có thể dựa vào các tiêu chuẩn này để hạn chế sản lượng nhập khẩu.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cũng cho rằng, hiện tại giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn tôm cùng loại của Ấn Độ từ 2 – 3USD/kg, tức cao hơn từ 20 – 30%. Với mức giá này, để có thể cạnh tranh được, DN phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến rồi xuất khẩu.
“Mà nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, khi Mỹ và các nước nhập khẩu đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn về xuất xứ nguồn gốc, DN Việt sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Lĩnh khẳng định.
Chủ động nguyên liệu giúp nông dân có lợi
Theo ông Trần Văn Lĩnh, nếu không phát huy được sức mạnh nội lực của từng ngành sản xuất thì dù miễn thuế nhập khẩu, DN cũng “chào thua”. Ví dụ như trong xuất khẩu tôm vào Mỹ, năm 2014, các nước nuôi tôm trên thế giới đều mất mùa, tôm Việt Nam dù bị đánh thuế chống bán phá giá khá cao tại Mỹ, mức thuế xấp xỉ 9% nhưng giá trị xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng trưởng tốt.
“Ngược lại, năm 2015, dù mức thuế chống bán phá đã về mức 0%, tuy nhiên xuất khẩu vào thị trường này vẫn sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Đó là do mối liên kết giữa sản xuất và chế biến, xuất khẩu của các DN chưa tốt trong khi vùng nguyên liệu quyết định quan trọng đến giá thành sản phẩm khi xuất khẩu” - ông Lĩnh phân tích.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể giải quyết được vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thủy sản xuất khẩu, cần đẩy mạnh xây dựng các vùng nguyên liệu trong nước. Đại diện Tổng cục Thủy sản - ông Nguyễn Anh Khoa đề nghị, nông dân sử dụng các loại thuốc hóa chất đúng quy trình, tránh dư lượng thuốc kháng sinh. Tới đây, Tổng cục Thủy sản sẽ phổ biến thông tin cho cơ quan quản lý địa phương và người nuôi cá tra biết về TPP mà nước ta có lợi thế khi ký kết.
Tôm, cá Việt đang “yếu thế” tại Mỹ Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời điểm từ nay đến cuối tháng 11, nguồn cung tôm, cá các loại tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Mỹ… đang dần hồi phục, trong khi tỷ giá ngoại tệ đồng tiền các nước này đang khá hấp dẫn khiến sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Mỹ bị cạnh tranh dữ dội. |