Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng như các ý kiến của các thành viên UB TVQH về tình hình đều nhận ra những điểm tích cực, thậm chí theo cách nói của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên là có nhiều "điểm sáng" trong phương pháp điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình KT - XH còn nhiều khó khăn thách thức. Sản xuất kinh doanh khó khăn do khó tiếp cận vốn, lãi suất cao; vốn đầu tư nước ngoài giảm; việc cắt giảm đầu tư công còn nhiều hạn chế...
Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đã lên tới 13,29%, tác động tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh, đời sống nhân dân, đặc biệt là 4,6 triệu hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 22% dân số cả nước). Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu: “Thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống của bộ phận dân cư này...”.
Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trước sức ép từ thị trường trong nước và quốc tế, Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc đề xuất nới chỉ tiêu CPI định hướng của cả năm lên mức 15-17% (cách đây 1 tháng, con số Chính phủ đề xuất là 15%).
Bộ trưởng Phúc cũng dự báo: CPI có thể giảm trong tháng 10 và 11 nhưng sẽ tăng trở lại trong tháng 12 do tác động của quy luật tiêu dùng cuối năm. Vì vậy, lạm phát năm nay, khả dĩ nhất cũng sẽ ở mức 17- 18%.
Chia sẻ với những khó khăn của nền kinh tế, của Chính phủ nhưng các Ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ những đối tượng khó khăn trong tình hình giá cả gia tăng.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng phải xem lại cách thực hiện các chính sách an sinh xã hội để thấy rõ người nghèo, người thu nhập thấp đã được hỗ trợ như thế nào. Khi tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu phải tính đến lộ trình để tránh ảnh hưởng và có hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị phải tiếp tục triển khai Chương trình 135 giai đoạn III hoặc ban hành giải pháp tình thế để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Nếu Chính phủ tiếp tục tiến hành các biện pháp tiền tệ thắt chặt, chính sách tài khóa chặt chẽ phải cân nhắc khả năng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển trong năm 2012 và các năm sau.
Sỹ Lực