Dân Việt

Lúng túng thực hiện bảo hiểm nông nghiệp

01/07/2011 09:48 GMT+7
(Dân Việt) - Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ 1.7.2011. Tuy nhiên tới thời điểm này, các DN, địa phương và các hộ nông dân đều đang lúng túng vì chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà

Quyết định 315 nêu rõ, thí điểm BHNN đối với cây lúa tại 7 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang và Đồng Tháp; thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại các tỉnh, TP: Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này do thông tư hướng dẫn chưa được ban hành đúng thời điểm, nên các địa phương rất lúng túng trong khâu chuẩn bị.

img
Nuôi cá tra - lĩnh vực sẽ thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Giải thích về vấn đề này, ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết: “Do thời gian chuẩn bị gấp, nên phải đúng hôm nay (1.7), Bộ NNPTNT mới ban hành thông tư hướng dẫn được”.

Về phía Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn về mức phí bảo hiểm, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới đây. Trong khi đó, 3 doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện là: Bảo Việt, Bảo Minh và Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng tham gia.

Theo QĐ 315, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo được hỗ trợ 80%; hộ nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm… Ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm từ 200-400 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt: “Để triển khai thí điểm BHNN còn rất nhiều việc phải làm. Là một DN lớn, Bảo Việt sẽ tham gia nhưng để có con người và bộ máy làm BHNN, vẫn cần thời gian chuẩn bị. Ngay bản thân chi nhánh tại các địa phương chỉ có vài chục người nhưng đang làm rất nhiều nghiệp vụ. Trong khi đó, BHNN khá mới nên sẽ cần đầu tư nguồn nhân lực”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Minh- Giám đốc Ban quản lý nghiệp vụ bảo hiểm (Bảo Minh): “BHNN là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới. Ở Việt Nam, BHNN là sản phẩm bảo hiểm khách hàng cần nhưng DN bảo hiểm chưa cần”.

Lý do khiến các doanh nghiệp chưa cần BHNN, theo ông Trịnh Quang Tuyến - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm: “Nếu bảo hiểm thân thể, bảo hiểm chân tay thì rất dễ xác định thiệt hại, còn nuôi trồng thì khó vô cùng, chỉ mang tính định lượng. Do đó, tổ công tác của các bộ, ngành cần có cuộc họp với đơn vị bảo hiểm để thống nhất được mức đền bù, phương pháp xác định thiệt hại”.

Sản xuất phải đúng quy trình

Ông Tăng Minh Lộc cho rằng: “Các doanh nghiệp muốn tham gia BHNN cần tham khảo thông tư hướng dẫn của Bộ NNPTNT sẽ ban hành tới đây, đồng thời tham khảo thông tư hướng dẫn về mức phí, quy trình làm bảo hiểm của Bộ Tài chính”.

Còn về phía người nông dân, ông Lộc cho rằng: “Để được tham gia thí điểm BHNN, người dân phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất tiên tiến do Bộ NNPTNT ban hành, ví dụ như sản xuất lúa phải làm theo quy định của Cục Trồng trọt, các lĩnh vực như chăn nuôi, thủy sản cũng phải thực hiện tương tự. Vấn đề này sẽ được quy định rất rõ trong thông tư hướng dẫn”.

Về việc phải thu hẹp đối tượng BHNN, theo ông Hồ Xuân Hùng-Thứ trưởng Bộ NNPTNT: “Vấn đề thực hiện thí điểm BHNN đang gặp nhiều vướng mắc nên phải thu hẹp quy mô thực hiện để triển khai bước đầu thành công. Nếu triển khai BHNN trên tất cả các đối tượng mà không thành công, coi như việc thực hiện BHNN thất bại, không đem lại hiệu quả cho người nông dân. Vì vậy, các tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm BHNN phải cố gắng thành công, từ đó nhân rộng ra các tỉnh khác”.

Chúng tôi chưa biết làm thế nào!

“Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò, lợn và gia cầm sẽ phần nào giảm bớt những thiệt hại kinh tế, góp phần xây dựng nền chăn nuôi bền vững cho địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi chưa nhận được văn bản chính thức của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi chưa biết mình phải làm gì, phối hợp như thế nào với ngành bảo hiểm”. (Ông Nguyễn Hữu Trượng -Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh)