Để các bà mẹ yên tâm về chất lượng vắc-xin, tránh việc hoài nghi, không cho con đi tiêm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã phân tích những hậu quả do trẻ không được tiêm chủng đúng lịch.
Thưa ông, nhiều phụ huynh đang băn khoăn có nên cho con mình đi tiêm vắc-xin Quinvaxem. Là chuyên gia y tế dự phòng, ông có thể phân tích rõ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho trẻ đi tiêm phòng loại vắc-xin này?
Vắc-xin Quinvaxem là loại vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh trong 1 mũi tiêm, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Vắc-xin này được sản xuất tại Hàn Quốc, đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định đạt tiêu chuẩn, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) cung ứng. Vắc-xin đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như của Việt Nam.
Đến thời điểm này, vắc-xin được sử dụng trên 90 quốc gia với trên 400 triệu liều đã được sử dụng an toàn.
Cũng giống như các loại vắc-xin khác, khi tiêm vắc-xin Quinvaxem cũng có những phản ứng, chủ yếu là thông thường và nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... Các phản ứng nặng như sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra.
Tiêm vắc-xin cho trẻ đúng lịch sẽ phòng tránh được nhiều dịch bệnh.
Trên thực tế, vừa qua, do không có vắc-xin tương ứng trong tiêm dịch vụ như vắc xin 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) mà một số bà mẹ chờ đợi nên con bị mắc ho gà.
Nếu người dân mất niềm tin với tiêm chủng, không cho con em đi tiêm chủng thì không những chính trẻ em mắc bệnh mà tỉ lệ miễn dịch của toàn cộng đồng không cao, dịch bệnh sẽ bùng phát.
Vì vậy, tôi khuyên các bà mẹ hãy đưa con em đi tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Ông có thể nói rõ hơn về ưu điểm của vắc-xin đối với trẻ nhỏ?
Nhờ có vắc-xin và tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai Chương trình này. Thành công của công tác TCMR đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam để đạt mục tiêu Thiên niên kỷ.
Vậy, hiện nay, những bệnh truyền nhiễm nào đã có vắc xin phòng bệnh?
Trên thế giới hiện đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm bao gồm: Lao, Tả, Bạch hầu, Cúm B, Viêm gan A, Viêm gan B, Ung thư cổ tử cung HPV, Cúm mùa, Viêm não Nhật Bản B, Sởi, Viêm màng não, Quai bị, Ho gà, Pneumococcus, Bại liệt, Dại, Rotavirus, Uốn ván, Viêm não tick-borne, Thương hàn, Thủy đậu, Sốt vàng...
Các vắc-xin mới để phòng và điều trị các bệnh như: HIV, viêm gan C, ung thư, sốt rét, lao cũng đang được thử nghiệm hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt. Hầu hết các loại vắc xin này cũng đã được sử dụng tại Việt Nam.
Trong chương trình TCMR, Việt Nam cũng đang triển khai 10 loại vắc-xin phòng 12 bệnh. Các vắc-xin này được tiêm chủng miễn phí tại tất cả các tram y tế xã, phường trên toàn quốc. Ngoài ra, một số vắc-xin khác được tiêm chủng dưới hình thức tiêm chủng dịch vụ như vắc-xin dại, quai bị, thủy đậu, ung thư cổ tử cung,...
Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì? Làm cách nào để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các phản ứng này để đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng, thưa ông?
Tiêm chủng vắc-xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hoặc các nhà sản xuất vắc-xin theo từng loại vắc-xin về các loại phản ứng hoặc là tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra.
Sau tiêm chủng có thể gặp phải những phản ứng thông thường là những phản ứng tạm thời và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng hay gặp và các biện pháp chăm sóc: Sốt nhẹ (dưới 38,5oC), đỏ và/hoặc sưng tại chỗ, sốc phản vệ: Thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như kích thích, vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật….
Xin ông cho biết, phụ huynh phải chuẩn bị những gì trước khi cho con đi tiêm phòng?
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần lưu ý: Trước tiên, bạn cần phải quan tâm con bạn có khỏe hay đang ốm, bị mắc bệnh gì mà có thể chống chỉ định hoặc tạm hoãn trong tiêm chủng hay không.
Bạn cần phải biết hiện nay con bạn đang ở tháng thứ mấy, và có thể sẽ tiêm vắc-xin gì trong đợt này. Tất nhiên, những vấn đề này cán bộ y tế ở tại cơ sở tiêm chủng cũng có thể giúp được bạn khi bạn đến điểm tiêm chủng để được tư vấn, khám sàng lọc, quyết định tiêm cho cháu loại vắc xin gì hay việc có tiêm hay không.
Ngoài ra, phụ huynh phải mang sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để được ghi chép và theo dõi lịch tiêm chủng của con mình; Chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!