ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho hay, khi ông tiếp xúc cử tri nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo cho đến nhân dân ở nhiều địa phương đều có mối quan tâm chung. “Cử tri đã đặt câu hỏi bây giờ chúng ta cứ nhận định, đánh giá là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ nhưng trong tình hình Trung Quốc đang có những hành vi ngang ngược vi phạm trên Biển Đông, vậy chúng ta nhận định, đánh giá là bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ sát thực chưa”- ĐB Học nêu ý kiến.
Trung Quốc cải tạo trái phép một trong số 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Nguồn: EPA)
"Nếu chúng ta nhận định và đánh giá như thế này thì thực trạng trên Biển Đông đó đặt ra yêu cầu bảo vệ chủ quyền thế nào, chúng ta có chủ quan không?. Nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh nói phản ứng của chúng ta trước đây khi tình hình Biển Đông yên ổn cho đến hiện nay khi tình hình bất ổn đều không có gì khác" - ĐB Học cho hay.
Trao đổi thêm với PV NTNN, ĐB Nguyễn Thái Học đánh giá: Từ trước đến nay chúng ta vẫn khẳng định có đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ là Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Những hành vi san lấp như vậy của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến độc lập chủ quyền của ta thì nhận định, đánh giá của chúng ta là thế nào, có phải như báo cáo là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ có được giữ vững không. Khi chúng ta đánh giá chính xác thì mới đưa ra giải pháp, biện pháp và quan trọng hơn là huy động được sức mạnh của toàn dân để có giải pháp để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
"Một khi chưa có đánh giá sát với tình hình thì biện pháp, giải pháp và sự tập hợp lực lượng sẽ bị hạn chế. Chính phủ cần phải giải trình, làm rõ hơn tại sao lại có nhận định đánh giá như thế, còn so với tình hình thực tế thì cử tri thấy chưa phù hợp" - ĐB Học nói.
Trong khi đó, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá: Cách diễn đạt về vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia như trong báo cáo nếu không cẩn trọng sẽ khiến người dân không tin hoặc làm mất cảnh giác, cả hai điều đó đều không có lợi. "Bản báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có ý rất quan trọng nên cần có cách diễn đạt để vừa đảm bảo phản ánh thực tế đồng thời tác động tích cực vào trong nhận thức của người dân. Để người dân có tinh thần cảnh giác, sự sẵn sàng cùng với nhà nước ứng phó. Sự nghiệp quốc phòng là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải của riêng lực lượng vũ trang của Nhà nước" - ĐB Dương Trung Quốc nói.