Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân góp ý vào báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 22.10.
Chỉ áp dụng công nghệ với cánh đồng mẫu lớn
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Chưa thấy Chính phủ nêu rõ khoảng cách thu nhập giữa người ND với công nhân và người làm dịch vụ tăng hay giảm. Ảnh: Hoàng Long
Dành sự quan tâm nhiều cho người ND, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nêu đề tương quan thu nhập của người ND so với các lĩnh vực trong cả nước. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, khoảng cách thu nhập giữa người ND so với công nhân và người làm dịch vụ tăng hay giảm chưa thấy báo cáo của Chính phủ nêu kỹ. Nói về năng suất lao động, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2010, bình quân một người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng gấp 3,62 lần so với một người làm nông nghiệp, thu nhập của một người ND bằng chỉ 1/3 so người làm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đến năm 2015, năng suất lao động của công nghiệp và dịch vụ gấp 3,85 lần nông nghiệp, như vậy khoảng cách lại tăng lên.
"Sắp tới nên có mục tiêu thúc đẩy năng suất nông nghiệp tăng nhanh hơn để thu hẹp cả khoảng cách thu nhập và khoảng cách năng suất giữa ND với công nhân và dịch vụ" - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nói.
Nhìn vấn đề một cách tổng thể, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho hay, ông rất trăn trở bởi nước là nước nông nghiệp, nhưng là một nền nông nghiệp rất thô sơ. Có rất nhiều sản phẩm sản lượng đứng đầu thế giới nhưng giá trị gia tăng rất thấp.
Giải đáp thắc mắc vì sao nước ta phải nhập ngô, đỗ tương, Bộ trưởng Vinh cho hay: Tất cả do kinh tế thị trường điều tiết. Giá ngô ở Việt Nam gấp 3 lần ở Mỹ, 1 công lao động máy móc của họ gấp 1.000 công lao động của Việt Nam, nên họ có sức cạnh tranh. "Tôi nói điều đó để thấy rằng khi hội nhập, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Trong đó nông nghiệp sẽ là mảng bị tổn thương lớn nhất. Làm thế nào để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nền nông nghiệp thành một trụ đỡ là vấn đề cực kỳ quan trọng của 5 năm tới. Nông nghiệp phải đi vào chất lượng, bắt đầu từ giống, phải canh tác quy mô lớn. Cần phải có một chủ trương về tích tụ đất đai. Như nhiều đại biểu đề cập, mỗi người dân rất sợ làm cánh đồng mẫu lớn, bởi nếu doanh nghiệp sụp đổ thì nông dân mất đất. Phải giải phóng được tư tưởng này. Như Malaysia, cánh đồng, đồn điền của họ hàng trăm vạn ha, làm rất năng suất và chất lượng. Chúng ta có thể có năng suất lớn trên từng diện tích, nhưng giá thành không bao giờ rẻ được vì ta chia nhỏ ra. Phải làm cánh đồng mẫu lớn thì mới đưa công nghệ cao vào được" - Bộ trưởng Vinh nói.
Xem xét lại các chương trình mục tiêu quốc gia
Cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, ĐB Võ Thị Dung (TP. HCM) cho hay, nông nghiệp có đóng góp lớn, có suất siêu nhưng hiện nay đã giảm cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. "Cứ nói được mùa mất giá, tiêu thụ sản phẩm không được, nguyên nhân vì sao, đời sống của người ND thế nào thì báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề này" - ĐB Dung băn khoăn.
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) bày tỏ: “Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, không ai phải theo ai cả, mà phải theo thị trường, nghĩa là thị trường cần cái gì chúng ta sản xuất cái đó. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là các sản phẩm chúng ta sản xuất ra phải có tính cạnh tranh, đơn cử như ở ngay trong khu vực nội khối ASEAN của chúng ta, Thái Lan và Indonesia đều có rất nhiều sản phẩm nông sản trùng lặp với nước ta. Nếu không tự nâng cao được chất lượng thì ngay trong nội khối chúng ta đã thua, chứ đừng nói gì đến việc cạnh tranh với các quốc gia trong Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương".
Cho ý kiến về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM), ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng: “Việc huy động nguồn lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia hiện còn rất thấp, cắt khúc như Chương trình xây dựng NTM mới chỉ huy động được 4% vốn xã hội so với mục tiêu đề ra là 7%. Hơn nữa, nhiều chương trình do khảo sát không sát nên sau khi hoàn thành, việc sử dụng không đạt hiệu quả, dẫn đến lãng phí". ĐB Khánh đề nghị, cần rà soát 2 chương trình là xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM, bởi mục tiêu của cả 2 là phải có nguồn lực đầu tư.
Cũng về vấn đề này, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, không nên nhìn vào con số cả nước có 1.500 xã đạt chuẩn NTM, mà phải xem chất lượng của các xã đó như thế nào, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn.
Theo ĐB Võ Thị Dung, hiện nhiều địa phương công bố hoàn thành NTM, bộ mặt nông thôn có thay đổi, nhưng cốt lõi là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống của người nông dân thế nào thì nhiều địa phương còn chưa quan tâm nhiều. Xây dựng NTM thành công thì đời sống và sản xuất của khu vực nông nghiệp phải có sự thay đổi mới có ý nghĩa. |