Nghi án cô dâu lừa tình, đoạt tiền của chú rể này xảy ra tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
“Chú rể phải đấm”
Anh Phạm Văn Đ. (SN 1986, làm nghề thợ mộc, ngụ địa chỉ nêu trên), là chú rể không vợ trong đám cưới này cho biết, mấy tháng trước qua giới thiệu của người bạn, anh quen Hồ Thị Ngọc Y., cô gái vừa tròn tuổi đôi mươi ở xã Nhơn Khánh kế bên.
Vẻ đẹp tươi tắn của cô công nhân chà nguội đồ gỗ làm Đ. xiêu đổ. Sau đó một thời gian, cả hai cùng xin phép cha mẹ đứng ra hỏi cưới. Ngày 29.3.2011, họ đưa nhau đến UBND xã Nhơn Khánh để đăng ký kết hôn.
Bức ảnh cưới của cô dâu, chú rể |
Thời gian yêu Y, Đ. từng bị một nhóm thanh niên chặn đánh tơi tả khi sang nhà người yêu nhưng sau đó không xác định được đối tượng vì sự việc xảy ra ban đêm. Bất thường tiếp tục xảy ra ngay vào ngày hôn lễ cử hành (21.5). Sáng hôm đó, sau khi họ nhà trai sang làm lễ ra về, đến 11h hai bên bắt đầu đưa dâu.
Vừa lăn bánh, xe hoa đột nhiên bị 2 xe gắn máy chở 4 thanh niên bịt khẩu trang kín mặt vè vè bám đuổi. Đến quãng vắng, 2 chiếc mô tô vượt lên tắt máy chắn ngang đường với lý do "hết xăng." Bị đoàn đón dâu phản ứng, cả bọn buộc phải nhường đường và nẹt pô vọt lên trước.
Đi được một quãng, đến ranh giới địa phận giữa hai xã, đột ngột xuất hiện giữa đường một đống tre gai rậm rịt chắn ngang. Xe hoa vừa dừng lại, lập tức một chiếc taxi đang đi phía sau liền lao tới khóa đuôi, đồng thời 2 mô tô quay lại chặn đầu. Biết có chuyện, họ nhà gái đành bước xuống "tìm kế hoãn binh" trong lúc chú rể gọi điện về nhà cầu viện.
Khi họ nhà trai kéo ra, 4 đối tượng đi mô tô vẫn không chút nao núng, vẫn chửi thề và buông lời hăm dọa trước khi bỏ đi cùng chiếc taxi. Theo các nhân chứng, có một nhóm người lạ ngồi trên chiếc taxi này nhưng không lộ diện.
Cô dâu "bốc hơi" cùng tiền mừng
Anh Đ. kể lại, mặc dù gặp rắc rối trên đường nhưng cuối cùng xe đưa dâu vẫn về nhà đúng giờ, tiến hành nhập tiệc đãi họ hàng quan khách. Có điều, từ lúc đó trở đi, cô dâu có vẻ tránh né anh và hay chụm đầu to nhỏ với người bạn làm trang điểm cô dâu và cô gái làm phù dâu.
Bản tính thật thà nên Đ. nghĩ đó là chuyện bình thường, không bận tâm suy nghĩ ngay cả khi vợ thậm thụt gọi điện cho ai đó. Đến 19h tối, tiệc cưới bắt đầu, cô dâu vẫn tươi cười cùng Đ. đón tiếp bạn bè, cũng hai lần thay váy áo chụp hình tạo dáng. Khoảng 20h, Y quay vào buồng thay đồ và ở khá lâu đến lúc chồng gọi cửa mới ra. Đ. ngạc nhiên thấy vợ mình đã trút váy cưới thay đồ bộ.
Cô vợ nói "Để cho mát" và hỏi nhà vệ sinh ở đâu? Chừng mười phút, chú rể quay vào thấy buồng trống không, anh hốt hoảng cùng mẹ chạy tìm khắp nơi vẫn không thấy cô dâu mới.
Phát hiện toàn bộ tiền mừng cưới bị "bốc hơi", đoán nàng dâu đã bỏ trốn, mẹ Đ. lăn đùng ngất xỉu phải kêu người cấp cứu khiến cả tiệc cưới nhốn nháo. Và mọi việc càng thêm rối khi mọi người phát hiện cả cô phù dâu cũng biến mất một cách bí ẩn .
Ngay sau đó, gia đình nhà trai đã mời công an xã và ban nhân dân thôn đến xác lập sự việc. Mở va ly của cô dâu, mọi người sững sờ thấy toàn bộ tư trang cô dâu mang về nhà chồng chỉ có mấy bộ quần áo cũ.
Theo đơn tố cáo của gia đình chú rể thì khi bỏ trốn, cô dâu đã mang theo 1 lượng vàng sính lễ của nhà trai, 2 chỉ vàng hồi môn của nhà gái cùng 4 triệu tiền nác (tiền dọn cưới) và toàn bộ tiền bạn bè mừng đám trên 10 triệu đồng.
Kịch bản trốn chạy tập thể
“Con dại, cái mang”
Mấy hôm đầu sau khi sự việc xảy ra, hai bên gia đình đã ngồi họp bàn tìm cách giải quyết. Cả 2 phía gia đình cùng ký tên trong đơn gởi đến cơ quan chức năng báo cáo sự việc và đề nghị giúp đỡ.
Đồng thời "con dại cái mang", bố mẹ đẻ cô dâu cũng làm giấy hẹn sẽ hoàn trả cho nhà trai 1 cây vàng và 4 triệu đồng tiền nác chậm nhất là ngày 7.6.2011.
Đến hẹn, chưa thấy vợ chồng ""sui gia hụt" nói năng gì, bố chú rể lân la sang hỏi. Lúc này đang nóng ruột vì con, bố cô dâu văng ra những lời lẽ khó nghe. ông bố chú rể cũng không kém phần nóng khi đặt ra nghi vấn nhà gái dàn dựng đám cưới giả để chiếm đoạt tiền.
Tiếp đó, bố chú rể gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, cho rằng vợ chồng "sui gia hụt" đã thông đồng với con gái lừa tình, đoạt tiền.
Sau vụ việc này, cả 2 gia đình hầu như đã tuyệt giao với nhau.
Một tháng sau khi sự việc xảy ra, tìm đến địa phương này để tìm hiểu sự việc, chúng tôi thấy người dân nơi đây vẫn chưa hết ngạc nhiên trước vụ việc hi hữu này.
Bà ngoại của cô dâu chạy trốn tiếp chúng tôi trong gian nhà rộng vắng người. Nhắc chuyện đứa cháu gái, gương mặt bà cụ 73 tuổi hằn lên những nét muộn phiền.
Theo lời bà kể, Y không phải dạng con gái đua đòi hư hỏng. Là chị cả nên học hết lớp 9, cô nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ruộng, hai năm nay mới làm thợ chà nhám trong xưởng mộc tư nhân.
"Nhận lời yêu thằng Đ., đi đăng ký kết hôn rồi hỏi cưới đều theo ý của nó chớ gia đình không bày mưu, ép uổng gì cả. Nên khi tự dưng cháu mình bỏ trốn thấy đau đớn lắm mấy chú à", những giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt già nua làm chúng tôi lặng đi.
Mẹ của cô dâu bộc bạch: "Việc hôn nhân của con Y với thằng Đ. là do hai đứa tự quyết định. Cho nên khi nghe nhà trai điện báo nó bỏ trốn, tôi xây xẩm mặt mày tay chân bủn rủn. Lúc đó họ hàng đã về hết, ba con Y thì say nằm một đống, nhà chỉ còn mình tôi nên không biết làm sao. Sáng hôm sau vợ chồng định đi bầu cử xong rồi qua luôn, ai dè nhà trai lại sang trước".
Trả lời câu hỏi "trong thời gian yêu tới lúc tổ chức cưới có khi nào Y biểu lộ thái độ khác lạ với Đ. không?", bà mẹ lắc đầu: "Không. Chưa khi nào nó hé môi phàn nàn với cha mẹ điều gì. Nên khi nó bỏ thằng Đ., ai cũng nói chắc nó bị bùa yêu nên mới tự dưng đi theo cái thằng khốn nạn kia."
Té ra mọi rắc rối đều bắt nguồn từ cái "thằng khốn nạn" kia. Qua tìm hiểu, tấm màn bí mật bao phủ cuộc trốn chạy kỳ lạ này dần được vén lên với những tình tiết táo bạo không ngờ.
Cách đây 3 năm, Y từng có người yêu là Phạm Văn T (một thanh niên cùng thôn). Thời gian sau, thấy cha mẹ Y không bằng lòng và tính cách hay xung khắc nên cả hai quyết định chia tay. Khi tình cũ đã phai cũng chính là lúc Đ. xuất hiện. Khi nhận ra người yêu cũ sắp trở thành vợ người khác, T đã quay lại và Y đã xiêu lòng nối lại tình xưa. Từ đó một kịch bản trốn chạy bắt đầu hình thành.
Theo cơ quan điều tra, hiện đã xác định được danh tính 4 đối tượng bịt mặt cưỡi mô tô chặn đường đưa dâu. Trong đó đang câu lưu một đối tượng để phục vụ điều tra, còn ba đối tượng đã bỏ trốn ngay đêm đó là Phạm Văn T (SN 1989), Phan Văn C (SN 1994) và Đỗ Văn P (SN 1989) đều ở xã Nhơn Khánh.
Cùng với Y và cô phù dâu, có thể xem đây là cuộc trốn chạy tập thể được chuẩn bị kỹ lưỡng mang đậm màu sắc phiêu lưu, lãng mạn như phim Hàn Quốc chứ không phải vì bồng bột nhất thời hay vướng phải bùa yêu.
Một cán bộ xã Nhơn Khánh cho biết, cũng tại địa phương này, năm ngoái từng xảy ra một vụ cô dâu bỏ chồng trốn theo người yêu ngay trước ngày cưới, sau đó hai gia đình phải thương lượng đền bù mãi mới xong. "Nếu không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời, hiện tượng này sẽ tiếp tục lây lan làm phức tạp tình hình địa phương", vị cán bộ này nói.