Ả Rập Saudi có thể cạn kiệt các tài sản tài chính cần thiết để hỗ trợ chi tiêu trong 5 năm nữa nếu chính phủ nước này vẫn duy trì những chính sách hiện tại và giá dầu tiếp tục ở mức thấp.
Một nhà máy lọc dầu ở gần TP Dhahran - Ả Rập Saudi Ảnh: EPA
Đó là cảnh báo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hôm 21-10, qua đó nhấn mạnh đại gia dầu mỏ này phải áp dụng các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Bahrain và Oman, 2 thành viên khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cũng có thể chịu chung tình cảnh như Ả Rập Saudi. Ba thành viên còn lại của GCC là Kuwait, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có số phận khá hơn: Số tài sản tài chính có thể giúp họ trụ vững thêm ít nhất 20 năm nữa.
Giới chức Ả Rập Saudi ban đầu tự tin tuyên bố kinh tế đất nước đủ mạnh để chống chọi với sự lao dốc của giá dầu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đang lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu - một động thái thừa nhận nguy cơ thâm hụt ngân sách có thể vượt tầm kiểm soát. Có điều, IMF đánh giá những biện pháp mà Riyadh cân nhắc là chưa đủ để củng cố tài khóa cần thiết trong trung hạn.
Theo hãng tin Bloomberg, Ả Rập Saudi đã tích lũy được hàng trăm tỉ USD trong thập kỷ qua. Năm 2014, nợ công của vương quốc này chiếm chưa đến 2% GDP - tỉ lệ thấp nhất thế giới. Dù vậy, tình trạng thất thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô - chiếm 80% thu nhập đất nước - buộc chính phủ trì hoãn nhiều dự án, đồng thời phát hành trái phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2007 với hy vọng ngăn chặn nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội. Kinh tế Ả Rập Saudi còn chịu gánh nặng từ việc phát động cuộc chiến ở Yemen vào cuối tháng 3-2015.
IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Ả Rập Saudi sẽ chiếm hơn 20% GDP trong năm nay sau khi Quốc vương Salman thưởng lớn cho công chức nhân dịp đăng quang vào tháng 1-2015. Tỉ lệ này dự kiến đạt mức 19,4% vào năm 2016. Theo ông David Butter, một chuyên gia tại tổ chức Chatham House (Anh), Riyadh sẽ gặp rắc rối lớn nếu không có được nguồn thu bền vững đến từ những hoạt động khác ngoài xuất khẩu dầu mỏ trong 5-10 năm tới.
Trước sức ép của Ả Rập Saudi, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) phải tiếp tục tăng sản lượng để bảo vệ thị phần, ngay cả khi giá dầu có lúc giảm dưới 50 USD/thùng. Điều này đi ngược với vai trò trước đó của OPEC là cắt giảm sản lượng để đẩy giá tăng.
Trong tình cảnh này, giới phân tích cho rằng Oman và Bahrain thậm chí còn đối mặt những nguy cơ lớn hơn nhiều so với các nước láng giềng giàu có. Do có sản lượng dầu thấp hơn nên 2 nước này thu về ít tiền hơn khiến thâm hụt ngân sách gia tăng và nợ nần thêm chồng chất.