Thưa ông, vừa qua, NAFIQAD đã được giao thực hiện lấy mẫu giám sát thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm của lĩnh vực nông nghiệp. Phải chăng tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi đã bùng phát trở lại?
Không kiểm soát chất cấm nguy cơ sẽ phá sản ngành chăn nuôi.Ảnh: Chăn nuôi lợn tại Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Đ.D
- Qua lấy mẫu giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông lâm thuỷ sản trong tháng 8 và tháng 9 năm nay cho thấy, ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều phát hiện các chất hoá học và kháng sinh trong mẫu thịt với tỷ lệ còn cao, chiếm 7,6%.
Cụ thể, đối với thịt lợn, trong số 63 mẫu thịt lợn đã lấy giám sát trong tháng 8 và tháng 9, phát hiện một mẫu có dư lượng Sabutamol và 3 mẫu có dư lượng Sulfadinidine, 7 mẫu Salmonella vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Kết quả giám sát cũng cho thấy, các chất cấm, chất kháng sinh không chỉ phát hiện ở thịt lợn mà còn có cả ở thịt gà.
Cụ thể, trong số 65 mẫu thịt gà có 9 mẫu phát hiện Salmonella, 11 mẫu có dư lượng kháng sinh Flofenicol và 11 mẫu có dư lượng Enrofloxacin. Kết quả giám sát cũng cho thấy, khu vực phía Nam và ở TP.Hồ Chí Minh đang kiểm soát tốt hơn tình trạng sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi.
Vì sao kết quả giám sát lại thấy ở khu vực phía Nam có tỷ lệ mẫu thịt nhiễm chất cấm ít hơn, thưa ông?
- Thực ra vừa qua những công bố của cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra là phát hiện thuốc ở cơ sở kinh doanh, trong thức ăn chăn nuôi và nước tiểu gia súc. Có thể người chăn nuôi vẫn sử dụng hoá chất, kháng sinh nhưng nếu đảm bảo cách ly thì nó đào thải rất nhanh nên khi lấy mẫu thịt kiểm nghiệm sẽ không thấy hoặc chỉ còn tồn dư một lượng nhỏ.
Tất nhiên, chỉ cần phát hiện ra 1 mẫu ở TP.Hồ Chí Minh thì tôi vẫn khẳng định là hiện vẫn còn có sự lạm dụng chất cấm ở khu vực phía Nam. Với kết quả kiểm nghiệm vừa qua chỉ là lấy mẫu 2 tháng ở miền Bắc và 1 tháng tại TP.Hồ Chí Minh thì chưa thể nói là ở phía Nam làm tốt hơn phía Bắc, cần có số liệu cả năm mới có thể kết luận chính xác được.
Ông có thể cho biết, việc lấy mẫu để giám sát đã được các cơ quan chức năng thực hiện như thế nào?
" Trong 9 tháng đầu năm 2015 chỉ 2 doanh nghiệp đã nhập tới 68 tấn Sabutamol là số lượng quá nhiều. Việc sản xuất thuốc điều trị hen suyễn đã có công thức nên có thể tính ra được sử dụng hết bao nhiêu lượng nguyên liệu chất này, từ đó ngành y tế cần phải làm rõ nhập về sản xuất thuốc hay với mục đích gì khác khác”. |
- Để đánh giá được giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cần tiến hành lấy mẫu trong suốt một năm. Trước đây, vấn đề giám sát của từng lĩnh vực được giao cho ngành thú y và bảo vệ thực vật lấy mẫu giám sát nhưng hiện nay Bộ NNPTNT đã quyết định chuyển về một mối là NAFIQAD thực hiện.
Chúng tôi lấy mấu giám sát đang theo đúng quy định của quốc tế là lấy mẫu phải đạt đủ cơ số mẫu, nếu ít quá không đánh giá được; lấy mẫu cũng phải đại diện cho không gian và thời gian.
Ví dụ để đại diện cho Việt Nam thì có thể lấy ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng không phải mẫu ở TP.Hồ Chí Minh là chỉ của địa phương này mà có thể nhiều tỉnh khác đưa thực phẩm vào. Việc lấy mẫu cũng được chúng tôi triển khai ở chợ bán buôn, ở cửa hàng kinh doanh… và mẫu có thể truy xuất được tận gốc khi cần.
Nếu sản phẩm theo mùa vụ thì chúng tôi lấy theo mùa vụ nhưng nếu có trái vụ vẫn phải lấy mẫu. Đối với sản phẩm quanh năm, khi tiến hành lấy mẫu chúng tôi phân bổ theo nguyên tắc khối lượng tiêu thụ. Ví dụ ở TP.Hồ Chí Minh, khi đi khảo sát ở chợ Bình Điền, với thịt gà, thịt lợn tiêu thụ trong 5 năm thì thời điểm nào tiêu thụ nhiều nhất thì tháng đó sẽ lấy mẫu nhiều nhất.
Bộ NNPTNT đang phát động đợt cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, trước thực trạng người chăn nuôi đang lạm dụng chất cấm như hiện nay, ông có đưa ra những cảnh báo và giải pháp gì?
- Theo tôi, chất cấm như ma tuý, đem lại lợi nhuận khủng khiếp như thế thì kiểu gì người ta chẳng làm. Đây là vấn đề gây bức xúc xã hội cần phải được cảnh báo, nếu người dân cứ tiếp tục lạm dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là cả chất vàng ô dùng trong công nghiệp đưa vào chăn nuôi… thì có nguy cơ phá sản cả ngành chăn nuôi của Việt Nam. Do đó muốn triệt tiêu được cần phải có cả cảnh sát, các bộ ngành, đoàn thể cùng vào cuộc chứ chỉ riêng ngành nông nghiệp sẽ không thể làm được.
Ngoài đẩy mạnh thanh kiểm tra, cần có giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu việc lạm dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ là hành vi lừa dối người tiêu dùng mà còn gây hại sức khoẻ cho chính bản thân trực tiếp người sử dụng và gây hại sức khoẻ cho người tiêu dùng. Hiện có khoảng 90% sản phẩm là an toàn nhưng chỉ 10% không an toàn thì lại không biết đang ở đâu, nên cần có giải pháp giúp cho người tiêu dùng nhận biết 90% sản phẩm an toàn.
Hiện chúng tôi đang phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) để tạo ra kênh phân phối các sản phẩm an toàn theo chuỗi, qua đó không chỉ bán ở hệ thống siêu thị mà còn có thể xuất khẩu sang các nước, nếu sản phẩm của chúng ta làm tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!