Không thực sự nổi bật về sáng tạo thời trang như nước bạn Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên không thể phủ nhận nghề người mẫu ở Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng mặt. Ngoài những chân dài nổi tiếng, được sải bước trên sàn catwalk quốc tế như Liu Wen, Sui He, còn có một thế giới “ngầm” khốc liệt hơn nhiều trong làng mẫu nội địa.
Người mẫu được lấy số đo trong một buổi casting ở Trung Quốc
Mới đây, một báo điện tử Trung Quốc đã khai thác cuộc sống của các người mẫu ở tỉnh Phúc Châu, Phúc Kiến để nhìn ra những góc tối trong nghề nghiệp “phù hoa” này.
Nếu như ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải…, thu nhập của các người mẫu tương đối khá khẩm thì ở một tỉnh lỵ kém phát triển như Phúc Châu, mức sống của các chân dài thấp hơn nhiều.
Không chỉ phân chia thu nhập theo thành phố lớn – nhỏ, thù lao người mẫu ở Trung Quốc được phân theo các cấp độ. Cụ thể có 4 loại: mẫu hạng “siêu A” là những cô đã có giải quốc tế, mẫu hạng A giành top 3 ở một cuộc thi trong nước, mẫu hạng B dành vị trí top 10 trong nước và hạng C là các mẫu chỉ đoạt giải thưởng nhỏ hoặc không có giải.
Ở Phúc Châu, cơ hội được tham gia các cuộc thi quốc tế là không tưởng. Họ thậm chí cũng chẳng có cơ hội dự thi các đấu trường trong nước mà chỉ cạnh tranh ở các cuộc thi nhỏ lẻ do doanh nghiệp tổ chức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù rất muốn, song họ khó có thể thăng hạng cũng như tăng mức thu nhập.
Thu nhập của các chân dài tỉnh lẻ thường khá thấp
Một vài chân dài ở Phúc Châu tiết lộ, khi tham gia các sự kiện thương mại, triển lãm cưới…, cô gái nào lọt top 3 trong cuộc thi ở địa phương sẽ nhận thù lao 500 NDT khoảng gần 2 triệu đồng). Các quán quân, hoa khôi tại các cuộc thi sắc đẹp cấp tỉnh được trả cao hơn một chút, từ 800 – 1.000 NDT (từ 3-3,5 triệu đồng).
Người đẹp giành giải thưởng cấp quốc gia được nhận 2.000 NDT /sự kiện (khoảng 7 triệu đồng), trong khi đó các cô gái chưa có danh hiệu chỉ được từ 100 – 200 NDT từ 300 – 700 nghìn đồng).
Mức thù lao nhận được không cao nhưng công việc mà các người mẫu hạng C phải làm vẫn rất vất vả. Ngoài việc thường xuyên đi giày cao gót ít nhất 10 cm, bị chai chân, thậm chí giãn tĩnh mạch, các người mẫu cũng phải ăn uống rất thất thường.
Bữa cơm vội vã của người mẫu tại triển lãm game
Khi đóng quảng cáo, các chân dài phải trang điểm cực đậm để tạo hiệu ứng. Với lớp trang điểm kém chất lượng, nhiều người bị dị ứng hóa chất, thậm chí hỏng da mặt... và đó là chuyện không hiếm gặp.
Người mẫu cấp thấp, ở tỉnh lẻ phần đông là các sinh viên. Vì không có danh, họ cũng không có tiếng nói, không dám nói lên ý kiến riêng của mình mà nhất nhất nghe theo ê kíp, đơn vị quản lý.
Để tăng thêm thu nhập hàng tháng, không ít chân dài đã quyết định tham gia diễn tại các hộp đêm, bar, club dù số tiền họ nhận được mỗi tháng đều bị chia đôi cho đơn vị quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh thu nhập chính thức, mẫu diễn ở hộp đêm thường được nhận thêm tiền boa, với mức giá khoảng 300 NDT khoảng 1 triệu đồng/người).
Mẫu hạng C luôn phải đối mặt với nguy cơ bị sàm sỡ
Số tiền tip này sau đó cũng được ăn chia, nhưng với tỷ lệ có lợi hơn cho người mẫu. Các cô sẽ được nhận từ 70-80% số tiền tip, phía quản lý bar, club nhận phần còn lại. Tuy nhiên để nhận được số tiền boa này, nhiều cô còn phải uống và hát cùng khách, chứ không chỉ dừng ở việc catwalk.
Tất nhiên, do đặc thù làm việc về đêm ở môi trường phức tạp, mẫu cũng khó tránh khỏi những trường hợp bị khách sàm sỡ, đụng chạm. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người mẫu “cắm đầu” vào các cuộc thi để mong tìm kiếm một danh vị, nâng cao giá trị bản thân, giã từ những hoạt động cấp thấp để đến với những sự kiện cao sang, đắt giá hơn.