Dân Việt

Đổ xô trồng tiêu, bất chấp rủi ro

03/07/2011 16:18 GMT+7
(Dân Việt ) - Hàng ngàn ha hồ tiêu đang được trồng mới tại các tỉnh Tây Nguyên. Nông dân thậm chí chặt bỏ cả những vườn cà phê đang sung sức để trồng cây tiêu. Rủi ro khôn lường đã được dự báo, nhưng nhà nông vẫn làm...

Tăng gấp đôi quy hoạch

Năm nay gia đình ông Trương Văn Khánh ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) đã phá nửa sào cà phê, chặt hết cây chắn gió để trồng 400 trụ tiêu.

Dù mới đặt cây tiêu xuống đất nhưng ông Khánh tỏ ra hết sức lạc quan: "Trồng tiêu hiệu quả hơn cà phê nhiều lắm chứ. Chẳng riêng tôi, hàng chục hộ dân ở đây cũng không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê để trồng tiêu. Nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát để trồng tiêu với tâm lý trồng thêm được trụ nào hay trụ ấy…".

Ý kiến của ông Khánh là một sự thật bởi theo thống kê của xã Bình Thuận thì năm nay diện tích hồ tiêu đã tăng 350ha, gần gấp đôi năm ngoái...

 img
Việc phát triển diện tích tiêu ồ ạt đang bộc lộ nhiều bấp bênh.

Khắp các huyện thị Đăk Lăk ở đâu cũng nghe nông dân bàn chuyện trồng tiêu… Huyện Krông Buk từ chỗ chỉ có 400ha tiêu, chủ yếu tập trung ở các xã có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng… phù hợp với cây tiêu như Cư Kpô, Krông Buk thì đến nay đã được mở rộng lên hơn 600ha.

Chủ tịch huyện này, ông Y Bia, cho rằng "cơn sốt" trồng tiêu đang lan rộng ở địa phương bắt đầu từ hiệu quả kinh tế tức thời mà ra. Người ta tính toán: 1 sào tiêu hiện nay cho thu nhập gấp 2 lần trồng cà phê và nhiều loại cây trồng khác.

Tại các địa phương lâu nay được coi là vùng trọng điểm tiêu của Đăk Lăk như Ea H'Leo, Krông Buk, Krông Năng và Cư M'Gar… diện tích tiêu cũng tăng vọt. Theo ông Phan Hùng Cường - Phó phòng trồng trọt (Sở NNPTNT), hiện cả tỉnh đã có khoảng 5.700- 5.800ha tiêu. Trong khi đó, quy hoạch của tỉnh chỉ dừng lại ở mức 5.000ha.

Tuy nhiên ông Cường cũng cho biết, sắp tới diện tích hồ tiêu không chỉ ở con số này mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch - khoảng 10.000ha. Dự báo này hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi qua trao đổi với ông Đỗ Trọng Vinh - Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Ea Kmát, thì mặc dù công ty đã chuẩn bị số lượng giống đủ trồng hơn 5.000ha, nhưng hiện tại vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trồng tiêu cho người dân trên địa bàn tỉnh…

Tai họa khó lường

img Không một cấp thẩm quyền nào "dám" ra văn bản "cấm trồng tiêu" cả! Giá tiêu đang cao ngất ngưởng thì người nông dân chạy đua để phát triển thêm diện tích cây tiêu là điều tất yếu. img

Ông Nguyễn Văn Sinh

Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk cảnh báo: "Một khi quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ thì đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm”.

Theo ông Sinh, do không kiểm soát hết các cung đoạn đầu tư sản xuất - từ cây giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản… nên chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ không đạt được phẩm cấp mà thị trường đòi hỏi. Mặt khác, khi mọi người đua nhau trồng tiêu, điều tất yếu cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất.

Nhưng câu chuyện "trồng - chặt, chặt - trồng" này bộc lộ sự bấp bênh, thiếu bền vững của ngành sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó đáng quan tâm nhất là hàng hóa nông sản.