Dân Việt

Bóng đá châu Âu: Khi thể thao bị chính trị chi phối

Thái Hà 26/10/2015 15:00 GMT+7
Giữa tuần qua, Borussia Dortmund đánh bại câu lạc bộ (CLB) Qabala của Azerbaijan 3-1 tại Europa League. Tuy nhiên, đội bóng Đức không hoàn toàn vui vẻ do một trong những ngôi sao của họ phải ở nhà vì lý do an ninh…

Bỗng nhiên bị… “treo giò”

Cầu thủ ngồi nhà là Henrikh Mkhitaryan người Armenia. Lý do: Armenia và Azerbaijan vẫn đang chiến tranh, tranh chấp vùng đất Nagorno – Karabakh. Với những căng thẳng đó, Mkhitaryan e ngại về vấn đề thị thực, thậm chí sợ bị bắt ngay khi đặt chân tới thủ đô Baku của Azerbaijan. Dù có sự đảm bảo từ Bộ Ngoại giao Azerbaijan và cam kết ủng hộ từ Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), nhưng Dortmund vẫn quyết định để Mkhitaryan ở nhà để tránh rủi ro.

img

Henrikh Mkhitaryan phải ngồi nhà trong trận Dortmund thắng Qabala. Ảnh:  I.T

Năm ngoái, UEFA đã tách rời các CLB bóng đá của Nga và Ukraine khỏi nhau trong các cúp châu Âu (bằng kỹ thuật bắt thăm) sau khi xung đột giữa hai nước lên cao.

Dortmund còn phải đối mặt với tình cảnh giống như Mkhitaryan trong tương lai gần. Một cầu thủ khác của họ là Adnan Januzaj đã nhận những lời dọa giết vào năm ngoái sau khi anh quyết định khoác áo đội tuyển quốc gia Bỉ thay vì Kovoso, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ hay Serbia. Januzaj có xuất thân rất phức tạp khi anh sinh ra và lớn lên ở Bỉ trong một gia đình tị nạn chạy khỏi cuộc chiến ở Kosovo. Các bản tin khi đó ở Serbia và Bỉ nói rằng cầu thủ 20 tuổi này bị cảnh cáo đừng bao giờ đặt chân trở lại lãnh thổ các nước bán đảo Balkan. Nên nhớ, vài đội bóng vùng Balkan cũng đang thi đấu tại Europa League như Dortmund.

“Sau khi nói chuyện với Mkhitaryan, chúng tôi thấy né tránh là điều tốt nhất cho tất cả các bên” - Tổng Giám đốc Dortmund, ông Hans-Joachim Watzke nói. Quyết định này lấy đi cầu thủ giỏi nhất của họ, Mkhitaryan ghi 10 bàn và có 8 đường chuyền thành bàn trong 16 trận đầu mùa giải này. Anh cũng đang là cầu thủ đắt giá nhất mà Dortmund mua về - 27,5 triệu euro mùa hè 2013.

Phía đông không yên tĩnh

Thể thao luôn bị ảnh hưởng bởi những việc chính trị như vậy. Các nhà chính trị nhiều khi là người quyết định thời gian và điều kiện các vận động viên có thể thi đấu.  

Các đội lớn như Dortmund thỉnh thoảng vẫn gặp vấn đề với các chuyến đi sang phía đông. Mùa trước, Tottenham để 5 cầu thủ ở nhà trong một trận đấu quan trọng với Partizan Belgrade của Serbia. Huấn luyện viên Mauricio Pochettino nói đó là lựa chọn vì “lý do bóng đá”. 5 cầu thủ đó đều là cầu thủ da đen. Một trong số họ là Danny Rose, hậu vệ từng bị la ó trên sân bóng ở Belgrade cách đó 2 năm khi tuyển U21 Anh gặp tuyển U21 Serbia.

Các nước Đông Âu gần đây phân biệt chủng tộc ghê gớm. Tuần này, UEFA mở cuộc điều tra với Dynamo Kiev sau khi 4 cổ động viên da đen bị tấn công trên khán đài trong trận vòng bảng Champions League giữa Dynamo Kiev gặp Chelsea. Video ghi hình cuộc tấn công này được đưa lên Youtube và truyền đi trong nhiều bản tin của truyền thông châu Âu.

Phân biệt chủng tộc lớn nhất đang diễn ra ở Nga, nước tổ chức World Cup 2018. Các quan chức bóng đá thế giới lo ngại điều này sẽ làm giảm giá trị ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Hulk, cầu thủ người Brazil có giá chuyển nhượng kỷ lục trong lịch sử bóng đá Nga đang chơi cho CLB Zenit St Petersburg nói rằng anh là nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc trong tất cả các trận đấu anh có mặt ở giải vô địch quốc gia Nga. Thậm chí, ngay cả các trọng tài cũng đã có bình luận xúc phạm về màu da của Hulk.

Các quan chức bóng đá Nga khá hời hợt trong việc chống phân biệt chủng tộc. Ông Vyacheslav Koloskov - cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nga nhận xét truyền thông phương Tây “xào nấu” quá nhiều về tệ phân biệt chủng tộc trên các sân cỏ Nga. “Những lời hô nhái tiếng khỉ được coi là phân biệt chủng tộc, luật ở đâu viết như vậy thế?” - Koloskov đặt câu hỏi. Không lạ về tệ bài ngoại còn nặng nề ở bóng đá Nga khi có một quan chức phát biểu như vậy. Mà từ 16 năm nay, Koloskov là Phó Chủ tịch FIFA, thế mới chán!