Dân Việt

“Chạy đua” ứng phó với hạn hán, nhiễm mặn

Thuận Hải 27/10/2015 07:15 GMT+7
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và Cơ quan Khí tượng thủy văn Nam Bộ đã khuyến cáo các tỉnh khẩn trương xuống giống vụ đông xuân 2016 sớm hơn so với cùng kỳ, tránh tình trạng thiếu hụt nước tưới và bị mặn xâm nhập.

Xuống giống đông xuân sớm

Cục Trồng trọt cho rằng, so với năm 2015, vụ đông xuân 2016 sẽ ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Việc xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 cho toàn vùng Nam Bộ do đó được đề nghị triển khai sớm hơn những năm trước để tận dụng nguồn nước ngọt cho lúa phát triển, sinh trưởng tốt. Lịch thời và được Cục Trồng trọt chia thành 2 đợt chính, bắt đầu từ giữa tháng 10.2015.

img

Lượng mưa thấp, hạn hán kéo dài đã khiến các tỉnh miền Trung và vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong năm 2015. Ảnh chụp tại Ninh Thuận. Ảnh: Mai Khuê

Cụ thể, sẽ có khoảng 250.000ha lúa đông xuân 2015 – 2016 nên xuống giống sớm, từ nay cho đến ngày 30.10.2015. Tiếp đó, khoảng 650.000ha lúa đông xuân ở vùng phù sa ngọt thực hiện xuống giống từ ngày 1.11 đến ngày 30.11 trong khi khoảng 550.000ha vùng thượng lưu sông Tiền, sông Hậu xuống giống đông xuân trong tháng 12. Chỉ riêng khoảng 110.000ha lúa đông xuân ở một số vùng khó khăn sẽ xuống giống trễ hơn, trong 10 ngày đầu tháng 1.2016.

PGS-TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm tưới khi xảy ra hạn hán. Đồng thời, các địa phương tiến hành thực hiện nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng.

Ngoài ra, ông Dư cho rằng, ngành nông nghiệp cần quán triệt đến từng địa phương các thông tin cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước, đồng thời, tiến hành phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm…

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Cùng với chỉ đạo xuống giống sớm của Cục Trồng trọt, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, trước dự báo về những diễn biến khắc nghiệt của hạn hán, xâm nhập mặn trong năm tới, cần vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bảo vệ nguồn nước ngọt, đồng thời có phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân trong vùng.

Trong khi đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng vừa có công điện gửi Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Tài nguyên – Môi trường và các địa phương về tình trạng khẩn trương chuẩn bị đối phó hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016.

Theo đó, ông Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhận định, với nguồn nước trữ hiện tại và thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xảy ra trong các vụ sản xuất nông nghiệp năm 2016, các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Để bảo đảm việc cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân và 2015-2016, hè thu 2016, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của El Nino, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, ưu tiên cho dân sinh và các ngành sản xuất kinh doanh chủ lực của địa phương.

Bên cạnh đó, ông Phát yêu cầu tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng; đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động vận hành, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ tốt sản xuất, dân sinh. Đẩy mạnh sử dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm.

Ngoài ra, ông Phát cũng đề nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường khẩn trương hoàn thành việc xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa cạn cho các lưu vực sông trên khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. 

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng Nam Bộ đặt kế hoạch gieo sạ hơn 1,64 triệu ha, tăng hơn 1.600ha so với cùng kỳ năm trước. 

Nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực trong các tháng còn lại của năm 2015 và 3-4 tháng đầu năm 2016 có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5-1,5ºC.

Lượng mưa trên khu vực Nam Bộ từ tháng 10.2015 đến tháng 4.2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN từ 20-40%.

Mùa mưa ở khu vực Nam Bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với TBNN.

Hiện tượng El Nino có khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục thời kỳ 1997/1998.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo

Ông Lê Phước Đại – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang: Hết đất để đắp đập ngăn mặn

Trước đây, mỗi năm Hậu Giang phải xây đắp khoảng 80 đập thời vụ để bảo vệ khoảng 5.000ha đất sản xuất ở TP.Vị Thanh và thị xã Long Mỹ. Chi phí cho mỗi đập tạm thời tốn từ 3 – 4 triệu đồng. Thế nhưng, điều đáng lo ngại nhất là phải đắp đập tạm thời riết rồi chúng tôi hết luôn cả đất để đắp.

Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng nạo vét kênh mương nội đồng, cho trữ nước ngọt… Tuy nhiên, tình trạng mặn xâm lấn ngày càng gay gắt, các biện pháp trên vẫn không đủ chống đỡ. Do đó, Hậu Giang kiến nghị Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu, đầu tư hỗ trợ địa phương xây dựng đập sà lan di động để ngăn mặn triệt để.

GS-TS Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam: Vùng ven biển sẽ thiếu nước uống

Từ nay đến cuối năm 2016, nguồn cung nước ngọt cho sinh hoạt, ăn uống của người dân vùng ven biển có thể sẽ thiếu trầm trọng. Đặc biệt đối với người dân ở các vùng ven biển của Bến Tre như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú… Hiện tại, mạch nước ngầm ở các vùng này rất ít, cùng với đó, tình trạng xâm nhập mặn dự báo đến sớm trong năm tới cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, là do lượng nước từ thượng nguồn đổ về trên sông Mekong đã bị sụt giảm, khi đến khu vực Biển Hồ thì lại bị cắt xẻ mạnh. Tình trạng này đã làm hạ thấp mức thủy vực trên các sông khu vực ĐBSCL, gây thiếu hụt trầm trọng lượng nước dẫn vào đồng ruộng. Do đó, người dân và chính quyền địa phương cần sớm có kế hoạch trữ nước, tiết kiệm nước ngọt để đảm bảo sinh hoạt, ăn uống…

Khải Huyền (ghi)