Dân Việt

Nhìn Kiatisak lại thấy tiếc cho Lê Huỳnh Đức!

Yến Phương 26/10/2015 18:00 GMT+7
Một HLV chưa từng dẫn dắt một CLB chuyên nghiệp nào tại Thái Lan lại có thể đàng hoàng tiến lên chiếc ghế quyền lực nhất của ĐTQG và thành công ngay lập tức. Câu chuyện của Kiatisak khiến những người làm bóng đá Việt phải suy ngẫm.

HLV Kiatisak hiện đang là nhà cầm quân “hot” nhất châu Á. Những tổ chức uy tín về chuyển nhượng trên thế giới cũng xếp nhà cầm quân người Thái này vào danh sách những “thuyền trưởng” được săn lùng hàng đầu. Tỷ lệ chiến thắng của Kiatisak lên đến 71%, trong khi tỷ lệ thua trận chỉ là 14%, những con số mà mọi HLV hàng đầu thế giới đều không dễ có được.

Làm trợ lý HLV ở ĐTQG, sau đó nắm đội U23 và từ năm 2014 là người đứng đầu ĐT Thái Lan, thành tích của Kiatisak thật đáng nể với HCV SEA Games, hạng 4 Asiad, vô địch AFF Cup và nhiều khả năng sẽ đưa Thái Lan vào vòng 12 đội cuối cùng khu vực châu Á để tranh 4 vé dự World Cup 2018. Sau khi đã là một huyền thoại của bóng đá Thái với những thành tích không ai vươn tới khi còn thi đấu, giờ đây Kiatisak đang trên đường trở thành tượng đài, biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của làng cầu xứ Chùa Vàng.

img

Kiatisak và Lê Huỳnh Đức trong một sự kiện giao lưu vào năm 2013.

Nói về thành công của Kiatisak, người ta lại thán phục cách làm của LĐBĐ Thái Lan (FAT) mà kiến trúc sư là chủ tịch đầy quyền lực Worawi. Không phải cầu thủ giỏi nào cũng có thể trở thành HLV tài năng, biến một huyền thoại bóng đá thành một ngôi sao huấn luyện còn là chuyện khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi cầu thủ đó chưa có nhiều kinh nghiệm cầm quân ở đẳng cấp cao. Tính ra, Kiatisak chỉ mất có 4 năm cầm quân đã được đưa thẳng lên vị trí cao nhất, vượt qua nhiều ý kiến phản đối, đố kỵ trong nội bộ bóng đá Thái Lan. Rõ ràng, nếu không có tầm nhìn, sự kiên định và một quyết tâm rất lớn của FAT thì sẽ không có Kiatisak tỏa sáng như hiện nay.

Cùng tuổi, cùng đẳng cấp và cũng không kém phần nổi tiếng như Kiatisak, nhưng Lê Huỳnh Đức lại… từ chối trở thành HLV đội tuyển Việt Nam mặc dù xét về mặt thành tích thì Lê Huỳnh Đức hơn hẳn khi đưa SHB.Đà Nẵng 2 lần vô địch V.League, từng làm trợ lý số 1 tại ĐTQG dưới thời HLV Calisto.

img

Được LĐBĐ Thái Lan tạo điều kiện, Kiatisak giờ đang là HLV thành công nhất ở châu Á. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.

Khi còn thi đấu, chính Kiatisak thừa nhận Lê Huỳnh Đức là đối thủ lớn nhất của anh; khi làm HLV cho HAGL, Kiatisak cũng từng là bại tướng của Lê Huỳnh Đức. Tuy nhiên, cách đánh giá của FAT và VFF về 2 danh thủ của thế hệ vàng 2 quốc gia này lại khác nhau hoàn toàn. Rõ ràng, với những thành tích huấn luyện của mình, Lê Huỳnh Đức hoàn toàn có thể được đầu tư dài hạn để trở thành thuyền trưởng ĐTQG. Thế nhưng, ngay cả thời điểm hiện nay, khi nhắc đến Lê Huỳnh Đức người ta vẫn còn nói về cái gọi là “quyền lực đen” khi anh còn thi đấu cho Ngân hàng Đông Á, ít thấy những đánh giá chính thức về thành tích đồ sộ của cầu thủ từng 3 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng, là cầu thủ khoác áo quốc gia nhiều nhất, dự nhiều kỳ AFF Cup nhất...

Câu chuyện về Lê Huỳnh Đức cho thấy cách sử dụng tài năng của bóng đá Việt Nam thật sự có vấn đề. Chưa từng có những trận đấu nào do VFF tổ chức để ghi nhận công lao của các tuyển thủ quốc gia như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Minh Phương… trong khi đó, những lãnh đạo cao nhất của VFF lại sẵn sàng tung hô các cầu thủ U19, đề xuất đưa đội bóng trẻ này dự vòng loại World Cup, biến các cầu thủ tuổi teen thành những ngôi sao cho dù tài năng của họ không thể so sánh với các thế hệ trước đây. Cách đánh giá mang nặng hình thức ấy cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của bóng đá Việt Nam so với Thái Lan, dù ai cũng nói rằng chúng ta không quá thua kém.