Dân Việt

Sợ công nghệ rơi vào tay Nga, Mỹ ngăn Hàn Quốc bán chiến đấu cơ

Phương Đăng 26/10/2015 19:00 GMT+7
Chính phủ Mỹ phản đối và ngăn cản kế hoạch xuất khẩu máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực siêu thanh T-50 Golden Eagle (Đại bàng Vàng) của Hàn Quốc cho Uzbekistan vì lo sợ công nghệ bị rò rỉ vào tay Nga.

Báo Korea Times của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân sự ngày 25.10 đưa tin, T-50 do Tập đoàn Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và Tập đoàn Lockheed Martin chuyên sản xuất máy bay và vũ khí quốc phòng của Mỹ hợp tác phát triển năm 2006. Do đó, theo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Mỹ, Hàn Quốc phải tham vấn và nhận được sự cho phép của Mỹ trong các hợp đồng xuất khẩu T-50.

KAI dự định bán 12 máy bay T-50 cho Uzbekistan, trị giá 400 triệu USD. Theo một nguồn tin chính phủ Seoul, bất chấp sự phản đối của Mỹ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn tìm cách đàm phán với  Uzbekistan về hợp đồng xuất khẩu T-50.

img

Máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực siêu thanh T-50 Golden Eagle.

Trước đó, Hàn Quốc đã bán T-50 cho Indonesia, Iraq, Philippines và Thái Lan. Nay Seoul đang rất khẩn trương muốn xuất khẩu loại máy bay này sang  Uzbekistan.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người đồng cấp Uzbekistan Islam Karimov hồi tháng 5 đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc gặp tại Seoul.

Còn hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Uzbekistan tới thăm Seoul, ký biên bản ghi nhớ về trao đổi quân sự. Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Uzbekistan đã ngồi thử vào trong một thiết bị mô phỏng T-50.

 "Chính phủ Mỹ không đồng ý việc xuất khẩu, nhưng Uzbekistan vẫn muốn được bàn giao (T-50). Vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục Washington", phát ngôn viên của KAI cho hay.

"Do Uzbekistan có mối quan hệ mật thiết với Nga, nên Mỹ lo ngại rằng việc bán T-50 cho Uzbekistan có thể dẫn đến nguy cơ các công nghệ chế tạo loại máy bay này bị chuyển giao cho Nga", Korea Times dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc.

Theo Korea Times, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chịu trách nhiệm hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong việc chế tạo T-50. Do đó, phần lớn các thiết bị cốt lõi như thiết bị điện tử hàng không và động cơ đều do tập đoàn Mỹ thiết kế.  Washington không muốn những công nghệ mới nhất của họ lọt vào tay Nga.

Trong một động thái liên quan, Mỹ và Saudi Arabia vừa ra tuyên bố liên thủ để chống lại liên minh Nga-Syria. Theo Telegraph, hai nước đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa những hỗ trợ về cả mặt quân sự lẫn ngoại giao cho lực lượng nổi dậy Syria.

Ông John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ đã điện đàm với Đức vua Salman của Saudi Arabia về vấn đề này cuối tuần vừa qua.

Trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm trên, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Họ đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ phe đối lập Syria song song với việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ công khai tuyên bố tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria sau khi Nga khởi động chiến dịch chống khủng bố tại đất nước Trung Đông ngày 30.10.

Theo đó, quân nổi dậy Syria đã nhận được nguồn cung cấp tên lửa chống tăng lớn đột biến. Các tên lửa TOW do Mỹ sản xuất được lực lượng nổi dậy Syria sử dụng tăng 800% và tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn các đợt tấn công mạnh mẽ, ồ ạt của chính quyền Tổng thống Assad.