Dân Việt

Viện phí sẽ tăng 2-7 lần

Diệu Linh 27/10/2015 06:00 GMT+7
Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho các phóng viên biết ngày 26.10.

Viện phí mới tính 4/7 yếu tố cấu thành

Theo ông Sơn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành dự thảo Thông tư về tăng viện phí đợt này, dự kiến ngày 15.11 này sẽ ban hành. Đợt điều chỉnh dịch vụ lần này theo nguyên tắc lấy mức giá tối đa quy định ở Thông tư về viện phí số 03/2006 và Thông tư 04/2012 làm giá tính đủ 3 yếu tố trực tiếp, cộng thêm yếu tố thứ 4 là lương theo ngạch bậc tính theo mức lương cơ sở, các loại phụ cấp đặc thù của ngành y tế. 

img

Người dân không có thẻ BHYT sẽ chịu áp lực lớn khi viện phí tăng. Ảnh chụp tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư.  Ảnh:     Diệu Linh 

Lần này, sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá. Ông Sơn cho biết, dự kiến, nếu tính đủ cả 4 yếu tố thì giá viện phí tăng khá lớn, từ 2-7 lần. Cụ thể, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 hiện nay là 20.000 đồng/lượt khám thì nay tăng lên 40.000 đồng/lượt khám. Tiền khám ở bệnh viện hạng 3, hạng 4 hiện là 7.000 đồng/lượt, khám theo giá mới là hơn 30.000 đồng/lượt khám. Tiền khám ở tuyến xã tăng từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt.

Tương tự, tiền giường nội khoa loại 1 (khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư… ) ở bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới là hơn 215.300 đồng/giường/ngày, còn ở bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng lên 165.000 đồng. Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt giá tối đa theo 04 là 335.000 đồng sẽ tăng lên 677.000 đồng/ngày…

Còn giá dịch vụ sẽ phức tạp hơn, nhưng cũng tăng từ 2-5 lần. Cụ thể như dịch vụ rửa dạ dày, theo Thông tư 03 có giá 30.000 đồng/lượt thì giá mới là 106.000 đồng/lượt. Lọc màng bụng cho người suy thận giá 300.000 đồng thì nay tăng lên 379.000 đồng/lần.

“Theo Thông tư 03, giá khám chỉ có 3.000 đồng/lượt, nhưng đó không phải là tiền công khám cho bác sĩ, mà  với giá 40.000 đồng/lượt thì mới có công của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện cũng mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá viện phí” – ông Sơn cho biết.

Đối với giường nằm ghép, ông Sơn cho biết vẫn tính theo Thông tư 04, nếu nằm ghép 2 người thì chỉ tính giá 50% mức giá/người bệnh, còn nằm ghép 3 tính 30% mức giá/người bệnh. “Giường nằm cũng có tiêu chuẩn rõ ràng chứ không phải là chỗ nằm tạm bợ, kê thêm như trên băng ca” – ông Sơn khẳng định.

Giá đồng nhất giữa các hạng bệnh viện

Đặc biệt lần này, Bộ Y tế quy định giá đồng nhất giữa các hạng bệnh viện (về tiền khám và tiền giường), còn về tiền phẫu thuật, thủ thuật thì đồng hạng trên cả nước.

“Theo quy định trước đây, mổ cắt dạ dày ở huyện có 500.000 đồng/lần, ở tỉnh lại 800.000 đồng, ở trung ương 1,2 triệu, ở bệnh viện đặc biệt giá 1,4 triệu đồng là không công bằng cho cả bệnh viện lẫn người bệnh. Vì tiêu hao vật tư y tế, nhân lực giữa các bệnh viện là như nhau. Còn đối với các dịch vụ cao hơn thì đã có quy định phân cấp rõ hạng bệnh viện nào mới được thực hiện” – ông Sơn phân tích thêm. Đây vừa là động lực cũng như áp lực để buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, qua đó thu hút bệnh nhân. 

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội):  ”Việc tăng viện phí tới 2-7 lần như hiện nay thì người không có thẻ BHYT sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn. Vì thế, trong vòng 4 tháng còn lại (từ nay đến tháng 3.2016 chưa áp dụng tăng viện phí với nhóm chưa có thẻ BHYT) thì các ngành cần phải tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu được “tấm bùa hộ mệnh” – thẻ BHYT để rốt ráo tham gia. Còn với 73% dân số đã tham gia BHYT, số đồng chi trả chỉ 5-20% thì cũng vẫn kham được. “Đây là “mũi tên trúng 2 đích” vì bệnh viện sẽ đỡ khó khăn hơn khi tự chủ tài chính, cũng buộc phải nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ để thu hút bệnh nhân. Còn bệnh nhân cũng sẽ không phải chi trả chi phí “ngoài viện phí” như trước đây khi viện phí thấp, nhiều vật tư chưa được cấu thành vào viện phí, thu không đủ chi nên bệnh viện buộc phải yêu cầu bệnh nhân mua thêm vật tư bên ngoài”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai  (Hà Nội): ”Việc điều chỉnh viện phí sẽ tác động đến người bệnh, cho dù người bệnh có thẻ hay không có thẻ BHYT. Tuy nhiên, người bệnh sẽ được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. Đặc biệt, theo Luật BHYT sửa đổi, hiện người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả cao hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 6,9 triệu đồng) thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Ví dụ nếu đồng chi trả là 7 triệu đồng người bệnh chỉ phải trả 6,9 triệu đồng, sau đó được miễn. Như vậy, cho dù viện phí tăng thì người bệnh bị bệnh nặng vẫn được bảo vệ”.

Tuấn Kiệt (ghi)