Đó là nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học tại Hội thảo “Tiếp cận Hiệp định TPP qua góc nhìn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND TP.HCM tổ chức.
Không thể lấy gà tre, gà vườn ra chọi..
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên Trinh - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc cắt bỏ hàng rào thuế quan đặc biệt nguy hiểm với những ngành hàng mà năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu, điển hình là nhóm ngành nông sản vốn gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập là nông dân. Trong đó, ngành chăn nuôi là chịu tác động lớn nhất, tiếp đến là trồng trọt và sau cùng là thủy sản.
Chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại mới đem lại sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Cụ thể, bà Trinh dẫn chứng: Trong 12 nước tham gia TPP thì Việt Nam nằm trong nhóm ít thuận lợi nhất về chăn nuôi, bởi ở các nước sản phẩm chăn nuôi đều sản xuất theo quy trình công nghiệp. Chẳng hạn, Úc và New Zealand là 2 nước có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới về chăn nuôi bò (thịt, sữa); Mỹ thì có thế mạnh về thịt gia cầm, thịt heo, bò… và Việt Nam đang nhập khá nhiều các mặt hàng này. “Nếu mở cửa, sản phẩm tương tự của Việt Nam sẽ gặp khó khăn vô cùng lớn khi cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu” - bà Trinh nói.
Trong khi đó, theo ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, việc giảm thuế sẽ dẫn đến sự gia tăng luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cạnh tranh. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cả trong thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, thị phần hàng hóa có nguy cơ bị thu hẹp, thậm chí là sụt giảm mạnh hoặc mất luôn cả thị phần.
TS Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thì cho rằng: “Có chuyên gia nông nghiệp nói rằng, chúng ta không sợ gà Mỹ, chúng ta cứ nuôi gà tre, gà vườn… để cạnh tranh khi gia nhập TPP. Đây là một quan điểm rất duy ý chí. Chúng ta phải luôn sẵn sàng, có những biện pháp tiếp cận TPP thật tốt, như thế các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng, người nông dân nói chung mới không “ngã ngựa” ngay sân nhà”.
Bỏ thuế, giá thịt lợn của Mỹ sẽ rẻ hơn 20%
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích: “Giá thịt lợn của Mỹ trung bình thấp hơn giá Việt Nam khoảng 40%, nếu thuế giảm về 0% thì người Mỹ sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay vì tiền vận chuyển họ mất 20%, còn 20% là do chúng ta đánh thuế. Vì vậy gia nhập TPP, khi đó Mỹ không còn lo ngại về khoản tiền thuế nữa, giúp họ giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh với hàng Việt Nam”.
Bên cạnh việc xác định những nguy cơ với ngành nông nghiệp khi gia nhập TPP, nhiều đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp tiếp cận TPP, trong đó đáng chú ý là đề xuất triển khai ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm... Tuy nhiên, việc chuyển giao bằng cách nào và làm thế nào để người dân đón nhận công nghệ không phải là chuyện đơn giản. Theo bà Nguyên Trinh, khi chuyển giao công nghệ cho nông dân phải có phương thức phù hợp, có mục tiêu sản xuất rõ ràng, phải phù hợp với trình độ và khả năng của người nông dân.
“Trong tất cả các phương pháp chuyển giao khoa học - công nghệ thì việc xây dựng mô hình trình diễn có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua hiệu quả các mô hình trình diễn, người dân sẽ dễ dàng tiếp thu và tin tưởng vào tiến bộ khoa học - công nghệ được giới thiệu. Ngoài ra cũng cần có mạng lưới cán bộ khoa học cấp cơ sở có trình độ trung cấp trở lên để hướng dẫn công nghệ cho nông dân” - bà Trinh góp ý.
TS Nguyễn Hải An lại đề xuất tham gia chuỗi cung ứng nông sản khi gia nhập TPP với ngành nông nghiệp. Cụ thể, các giải pháp được đề xuất nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông sản gồm: Đầu tư sâu cho công nghệ sau thu hoạch; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiếp cận và mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước; phát triển dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng thương hiệu nông sản…
Nhiều sản phẩm trồng trọt có thể cạnh tranh Trả lời báo chí về những lo ngại đối với ngành nông nghiệp khi gia nhập TPP, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Sự lo ngại đó có thể chỉ đúng với một số trường hợp. Nước ta cũng có những mặt hàng mà chúng ta đã, đang và sẽ có thể xuất với hiệu quả cao hơn so với các nước khác. Chẳng hạn như lúa gạo của nước ta có thể cạnh tranh có hiệu quả với các nước trong TPP như Nhật, Canada, Mexico, Malaysia. Hay cà phê của chúng ta có thể cạnh tranh có hiệu quả với cà phê của Mexico. Điều mà đáng lo ngại chính là ngành chăn nuôi”. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, giải pháp đầu tiên mà ngành nông nghiệp triển khai để thay đổi ngành chăn nuôi, đó là tìm hiểu và đưa ra những cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp thu một cách nhanh nhất và có hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật đỉnh cao của ngành chăn nuôi ở các nước trên thế giới để đưa về nước Việt Nam chúng ta. “Một mặt chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu công nghệ. Mặt khác chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đem theo những giống mới và công nghệ đó để các doanh nghiệp và bà con nông dân chúng ta sử dụng cũng như tiếp thu, rồi vận dụng những cách làm tiến bộ để nâng cao hiệu quả chăn nuôi ở trong nước”- ông Phát nói. Ngọc Lê (ghi) |