Bếp ăn của tình thương, tình người
Nói về cơ duyên ra đời bếp ăn từ thiện này, ông Võ Văn Tuần - Trưởng ban điều hành bếp ăn tại ấp Tây Bình cho biết: Địa phương cũng như các xã chung quanh đều thuộc miền núi, vùng sâu xa nên không có quán ăn. Nhiều học sinh (HS) khối cấp 3 phải học phụ đạo thêm buổi chiều, đường về nhà cách xa hàng chục cây số nên nhiều em phải nhịn đói, hoặc ăn uống qua loa. Thêm vào đó, nhiều học trò nhà nghèo, không có điểm tâm, ăn sáng gì nên tan học là đói lả. “Nhiều hôm tan học, thấy mặt tụi nhỏ là biết nó đói rồi. Đạp xe băng ruộng, bốn bề lúa vàng đồng mà bụng đói meo. Nhìn cảnh con cháu mình vậy tui chịu không nổi nên đã cùng mọi người đứng ra thành lập bếp ăn tình thương” – ông Tuần trải lòng.
Các em học sinh trong bữa cơm trưa tại nhà ăn tình thương. (Ảnh: Trọng Bình)
Để bếp ăn hoạt động quy củ, ông Tuần cho biết khó khăn lớn nhất là phải có đất xây dựng nhà ăn. May mắn là có những tấm lòng vàng sẵn sàng đóng góp cho hoạt động từ thiện này, trong đó tiêu biểu là ông Đào Văn Do ở ấp Tây Bình đã hiến 2.000m2 đất. “Khi tôi bàn chuyện hiến đất xây dựng nhà ăn tình thương, mọi người trong nhà không chỉ ủng hộ mà còn vận động bạn bè đóng góp thêm” – ông Do bộc bạch.
Vậy là bếp ăn tình thương cho HS nghèo nhanh chóng được xây dựng gần Trường THPT Vĩnh Trạch, hàng ngày cung cấp bữa ăn miễn phí cho các em HS. Ngoài ra, nhà ăn tình thương còn có nơi nghỉ ngơi để các em có thể ngả lưng chờ đến giờ học phụ đạo buổi chiều.
Chung tay gây dựng “nhà ăn tình thương”
"Nhờ những suất cơm hỗ trợ mà nhiều em HS đã có thêm động lực phấn đấu học tập nên người. Nhiều em sau này thành đạt đã tích cực tham gia hỗ trợ cho nhà ăn tình thương của địa phương”. |
Ngay năm đầu hoạt động (2010), nhà ăn tình thương ấp Tây Bình đã có 80 HS đăng ký ăn trưa. Năm sau tăng lên gấp đôi. Và con số này cứ tăng nhanh hàng tháng. Ông Huỳnh Công Tấn- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Trạch cho biết: Trước tình hình này Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Trạch đã nhanh chóng cùng Hội Khuyến học xã “bắt tay” với những người sáng lập ra bếp ăn từ thiện để xây dựng thành “nhà ăn từ thiện”, có ban điều hành, hoạt động bài bản. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng thành công mô hình nhà ăn tình thương để hỗ trợ HS khó khăn. Để con em đói cơm thì học hành sao được” – ông Tấn bộc bạch.
Còn ông Tuần thì không giấu được niềm vui: “Hay tin chúng tôi lập được nhóm 40 người thay nhau nấu ăn miễn phí cho HS nghèo, các nhà hảo tâm và phụ huynh nhiều nơi đã liên hệ đóng góp. Người cho tiền, kẻ góp gạo, rau, củi… Nhờ vậy mà nhà ăn duy trì ổn định tới nay”.
Theo ông Tuần, từ đầu năm 2015 đến nay, mỗi ngày bếp ăn tình thương cung cấp hơn 250 suất cơm trưa cho HS. Tính ra có đến 8 xã của 2 huyện giáp ranh Thoại Sơn và Châu Thành có HS đăng ký ăn cơm trưa ở nhà ăn này. Trước đây chỉ có các em thuộc diện nghèo trong xã, giờ thì nhà ăn mở rộng thêm cho các em HS có gia cảnh khó khăn khác như nhà xa trường, gia đình neo đơn, cha mẹ đi làm đồng xa cả ngày...