Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013 nhưng rất ít người biết. "Khi phong trào rộng ra thì nhiều người mới biết tôi đăng ký hiến tạng. Đã có nhiều người dân đăng ký hiến tạng rồi. Tôi không phải trường hợp đặc biệt, chuyện đó bình thường thôi, công dân mà", Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, người nhà bà đều là thầy thuốc nên rất ủng hộ việc làm trên. Ngoài việc đăng ký hiến tạng, bà còn xung phong làm chủ tịch hội vận động hiến tạng để giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo Bộ trưởng Tiến, đây là việc làm rất cần thiết. Đối với bệnh nhân chết não, chắc chắn là chết. Khi đó một là chôn, hai là thiêu, như vậy đều trở về cát bụi. Trước khi chết, cho những tạng hiến để người bệnh hiểm nghèo được ghép, được sống, nghĩa là người chết đã làm được việc hết sức ý nghĩa. Người nhà đồng ý nghĩa là cũng giúp cho người chết làm việc có ích.
"Tôi xung phong làm chủ tịch hội không phải chuyện quản lý nhà nước, nếu là người dân thì tôi cũng làm như thế. Quản lý nhà nước thì càng phải thúc đẩy nhanh để có nguồn tạng", Bộ trưởng Tiến bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ở các nước khác, rất nhiều người đăng ký hiến tạng nhưng nguồn tạng vẫn rất hạn chế, còn chúng ta chưa làm được việc này. Trong khi hiện nay, nhu cầu ghép tạng của các bệnh nhân suy tạng, mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh thận, bệnh ung thư, suy các tạng là rất lớn...
Có hàng ngàn đến hàng chục ngàn người có nhu cầu ghép tạng. Những người phải chạy thận nhân tạo, cả đời chịu khổ. Có bệnh nhân chết não nhưng không cho tạng thì những người có nhu cầu được ghép tạng không có cơ hội được phẫu thuật
Về việc nhân rộng việc hiến tạng, theo Bộ trưởng Tiến, cần có sự hỗ trợ từ các chức sắc tôn giáo như linh mục, hoà thượng khi họ giảng về triết lý giáo phái, khuyến khích người dân làm việc thiện, hiến tạng là làm việc có ích.