Dân Việt

Trẻ bỏ tiêm vắc-xin sẽ để lại những di chứng gì?

Diệu Thu (thực hiện) 27/10/2015 21:34 GMT+7
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo: Nếu trẻ tiêm chủng muộn sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, có thể để lại di chứng và dẫn tới tử vong.

Sau khi xảy ra một số ca tai biến sau tiêm chủng, nhiều phụ huynh lo ngại chất lượng vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Họ kiên quyết chờ vắc-xin dịch vụ. Xung quanh vấn đề này, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có chia sẻ hữu ích giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về hậu quả của việc bỏ tiêm cho trẻ.

img

PGS.TS. Trần Như Dương

Thưa ông, từ khi đưa vắc-xin Quinvaxem vào sử dụng ở Việt Nam, tỷ lệ tai biến là bao nhiêu? Tỷ lệ này có thuộc phạm vi cho phép không?

Vắc-xin Quinvaxem là vắc xin phối hợp 5 trong 1 được sử dụng để phòng bệnh bạch bầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắc-xin Quinvaxem được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định về chất lượng. Đây cũng là một trong những vắc-xin được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới với trên 449 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng ở hơn 94 quốc gia từ năm 2006 tới nay.

Tại Việt Nam, có gần 25 triệu liều được sử dụng cho trẻ em trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ tháng 6/2010 đến nay.

Việc sử dụng các vắc-xin nói chung và vắc-xin Quinvaxem nói riêng luôn được giám sát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản và sử dụng. Công tác giám sát phản ứng sau tiêm chủng là một trong những khâu thiết yếu rất được chú trọng. Các dấu hiệu sức khỏe của trẻ sau tiêm không do vắc-xin hoặc do vắc xin đều được ghi nhận.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng có đánh giá các phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam. Kết qủa cho thấy, có 9 trường hợp phản ứng có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (tỷ lệ 0,64/1 triệu liều), không có tử vong trong số 9 ca này.

Chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốc phản vệ trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (tỷ lệ 0,07/1 triệu liều), thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

img

Phụ huynh cần cho trẻ tiêm đúng lịch để phòng bệnh

Hiện đã có con số thông kê hoặc so sánh tỉ lệ tử vong trước và sau khi tiêm vắc xin chưa, thưa ông? Ông có thể phân tích cái được khi cho trẻ tiêm chủng và cái mất khi trẻ không tiêm chủng?

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ cấu bệnh tật ở trẻ em.

Nhờ có tiêm chủng, Việt Nam đã đẩy lùi hoàn toàn bệnh bại liệt, một căn bệnh vô cùng nguy hiểm từ năm 2000, và cũng đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng trên 100.000 dân giảm một cách ngoạn mục: Bệnh bạch hầu giảm 228 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần, bệnh sởi giảm 90 lần; bệnh uốn ván sơ sinh giảm 18 lần (so với năm 1991).

Qua thực tiễn triển khai vắc-xin ở Việt Nam với khoảng 600 triệu mũi trong 30 năm nay, tai biến xảy ra sau tiêm là hãn hữu, đã cho thấy tính an toàn của vắc-xin.

Trong quá trình thực hiện tiêm chủng cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà... Điều này cũng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em, có thể để lại di chứng và dẫn tới tử vong.

Vừa qua, có một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng, vậy xin ông cho biết, xảy ra sự cố này do những nguyên nhân nào?

Vắc xin sử dụng để tiêm chủng cho người khỏe (để phòng bệnh) nên nếu bị rủi ro sẽ khiến cộng đồng quan tâm. Khác với thuốc chữa bệnh, dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng được dùng hàng loạt cho rất đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh. Đây là nguyên nhân chính gây ra tử vong.

Theo ước tính của WHO, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng. Vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Thực tiễn  triển khai vắc xin ở Việt Nam với khoảng 600 trăm triệu mũi tiêm vắc xin trong 30 năm nay, tai biến xảy ra sau tiêm vắc xin là hãn hữu.  Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, không có một loại vắc xin phòng bệnh nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%. Vì vậy, khi tiêm chủng mỗi cơ thể sẽ có phản ứng khác nhau với vắc xin nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít khoảng 1/1 triệu liều vắc xin sử dụng có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc phản vệ.

Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc-xin nhưng có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắc-xin lại hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người khác nhau với vắc-xin.

Do đó, sau tiêm chủng các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như sốt cao, co giật, bỏ bú, khóc thét, tím tái, khó thở, vật vã hoặc ngủ li bì … phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh xảy ra một số rủi ro đáng tiếc.

Sau khi xảy ra các ca tai biến sau tiêm chủng, nhiều phụ huynh lo ngại chất lượng vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, và kiên quyết chờ vắc-xin dịch vụ. Theo ông, điều này sẽ để lại những hậu quả gì?

Để phòng bệnh, tốt nhất trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tâm lý chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ dẫn đến sự trì hoãn các mũi tiêm của các bậc phụ huynh khiến cho trẻ sẽ bị tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi.

Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ cao trẻ bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Trong đầu năm 2015, có 43,7%  các trường hợp mắc ho gà ở độ tuổi từ 2-4 tháng tuổi mà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi. Những trẻ này nếu được tiêm chủng đúng lịch đủ mũi thì hầu hết sẽ được bảo vệ không bị mắc bệnh.