PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, xung quanh về vấn đề vi phạm bản quyền tác giả.
Theo nhà thơ Đỗ Hàn, ở các nước, nếu người vi phạm bản quyền, đạo ý tưởng của người khác là những người có học thức, tri thức, thậm chí có học vị cao mà tác phẩm mà họ được trưng ra và nổi tiếng, được thu lợi thì được coi là ăn cắp thi trức và càng bị xử nghiêm.
Với tư cách là Phó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, ông nghĩ sao về lùm xùm hai bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và “Bạch lộ”của nhà thơ Phan Huyền Thư dính “nghi án đạo thơ”?
- Qua sự việc này, người cầm bút sẽ cảm thấy đáng tiếc và rất buồn. Tuy nhiên, nếu nhìn theo cách hiểu của một số tác giả là lấy ý tưởng của người khác rồi nảy sinh tranh giành với nhau, hay tác phẩm của người này ra đời trước tác phẩm của người kia..., theo tôi, dưới góc độ của người làm công tác bản quyền đó là điều rất cần thiết nhưng chưa đủ.
Nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam trao đổi với PV. Ảnh: Thanh Hà
Một bài thơ đang bị tranh chấp, một trong hai tác giả nói rằng, có thể chứng minh bài thơ đó là của mình và đưa ra lý lẽ sẽ tìm chứng cứ bài thơ đó được ra đời trước nhưng chứng cứ đó chưa hẳn đã đúng. Bởi đôi khi những chứng cứ đó rất có thể đã được ngụy tạo, lập sau.
Vì vậy khi tác giả đưa ra chứng cứ bắt buộc phải có cơ quan chuyên môn, phải có chuyên gia khẳng định chứng cứ đó là như thế nào, ví dụ như phong cách thơ, hay cách hành văn ra sao, nhận ra nét riêng của tác giả thì mới có thể khẳng định được bài thơ là của ai.
Là người đang thực thi về việc bảo vệ bản quyền tác giả, liệu rằng trong thực tế ông thấy có sự mâu thuẫn, hay bất cập nào từ luật pháp?
- Trên thực tế, luật pháp chưa bao quát tổng thể và cũng chưa đi vào chi tiết, cụ thể để Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam có thể lấy đó mà tiến hành. Ngoài ra quy định xử phạt thật sự chưa nghiêm, chưa được chặt chẽ, nên sự việc sao chép, đạo tác phẩm của người khác cứ rộ lên một thời gian sau đó lại chìm và tiếp tục tái diễn.
Theo các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu thì việc xâm phạm ở Việt Nam trên văn bản, trên băng đĩa, có khoảng 30% các tác phẩm đang bị sao chép lẫn nhau. Điều này không chỉ ở trong lĩnh vực văn chương mà ngay như ở các trường Đại học, các luận văn, các công trình nghiên cứu...cũng bị sao chép. Một điều đáng nguy hại nữa ở môi trường internet còn khủng hoảng hơn. Việc sao chép lại càng nhanh mà không để dấu vết. Đó là chưa kể, đôi khi pháp luật lại tạo kẽ hở để cho việc đạo, sao chép được phát triển.
Kẽ hở nữa trong luật pháp Việt Nam là về quyền photo sao chép trong văn bản. Ở nước ngoài người sao chép phải thỏa thuận giá với chính tác giả có tác phẩm mà mình muốn sao chép. Tức là tác giả được quyền định mức giá tác phẩm của mình, thế nhưng ở nghị định của chúng ta việc đó được quy định luôn mức giá. Vì vậy khi người sử dụng tác phẩm đó, nếu là người tốt và gặp tác giả, họ sẽ trả tiền. Còn nếu người không tốt mà lại không vô tình gặp tác giả, họ sẽ lờ đi, coi như không biết.
Mỗi năm Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam xử phạt bao nhiêu vụ vi phạm và theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới việc sao chép, đạo thơ, đạo văn ngày một nhiều?
- Mỗi một năm Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam phải xử lý từ 5 đến 10 vụ vi phạm kiểu như lấy thơ, văn của người khác để in vào tuyển tập của mình, hoặc in trên lịch...
Theo tôi, để xảy ra những vụ việc đó có mấy nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất, thái độ của người làm ra tác phẩm, sinh ra đứa con tinh thần chưa có thái độ đúng mức nhất để bảo vệ tác phẩm của mình. Tức là họ không hề kiên quyết bảo vệ đứa con tinh thần ấy, khi viết xong, đăng báo, ra mắt công chúng, chẳng may có ai đó lấy tác phẩm của mình, họ cũng xuề xòa cho qua.
Nguyên nhân thứ hai, người sử dụng, hay còn gọi là người ăn cắp, đạo thơ, văn dùng tác phẩm của người khác rất tự nhiên, bởi lý do người sinh ra tác phẩm đã xuề xòa khiến họ có cơ hội để biến cái của người khác thành của mình. Ngoài ra, tôi cho rằng nó cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống tiểu nông của nền nông nghiệp lạc hậu và thời bao cấp còn rơi rớt lại.
Nguyên nhân nữa là dư luận của bạn đọc. Bạn đọc nuôi sống tác phẩm văn học, có bạn đọc thì văn chương mới tồn tại. Thế nhưng, bạn đọc đôi khi cũng dễ dãi, bỏ qua khi đọc đâu đó thấy có sự giống nhau, hoặc thậm chí biết rõ nhưng bạn đọc cũng xuề xòa bỏ qua mà không lên tiếng.
Với thực trạng vi phạm bản quyền nặng nề như vậy, tôi đánh giá môi trường bảo vệ quyền tác giả, văn chương nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung của nước ta đang bị ô nhiễm một cách nặng nề, bị khủng hoảng trầm trọng, mà chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt, biện pháp nóng bỏng mới cứu nguy được sự khủng hoảng và đặc biệt Việt Nam mới mong hội nhập. Bởi, nếu chúng ta không làm chặt, chúng ta sẽ bị vấp vào những kiện tụng của quốc tế.
Việc vi phạm bản quyền bị ô nhiễm một cách nặng nề sẽ ảnh hưởng thế nào tới không khí sáng tạo nghệ thuật, thưa ông?
- Việc đó có ảnh hưởng rất lớn tới việc sáng tạo của người làm nghệ thuật, đặc biệt đối với những thế hệ trẻ, khiến thế hệ trẻ lệch chuẩn về nhận thức, có cái nhìn nhận sai và làm nhụt đi ý tưởng sáng tạo của họ.
Các bạn trẻ sẽ dần dần nghĩ đó là điều bình thường, tự nhiên, không còn phản kháng với những sai trái.
Thưa ông, ở nước ngoài nạn sao chép, đạo thơ, văn sẽ được xử lý như thế nào?
- Ở nước ngoài họ làm rất chặt chẽ việc vi phạm bản quyền, chính vì vậy mà những người vi phạm không thể có cơ hội vi phạm.
Còn trong trường hợp vẫn lén lút sao chép, đạo thơ, đạo văn vi phạm bản quyền, chế tài của họ đối với sinh viên sẽ bị đuổi học. Đối với giáo sư, tiến sĩ sẽ bị tước học hàm. Nhà văn, nhà thơ sẽ bị cấm in, ấn phát hành trong thời gian có thể là 5 năm, 10 năm. Thậm chí vi phạm tới mức ảnh hưởng đời sống, đến tác phẩm của tác giả sẽ bị kiện ra tòa và đi tù.
Vậy cần có biện pháp như thế nào trong vấn đề này?
- Tôi nghĩ luật pháp cần thắt chặt, cần phải nâng cao nhận thức của người có tác phẩm, của người sử dụng tác phẩm, của đông đảo quần chúng, độc giả.
Tất cả những điều tôi vừa nêu, nếu là biện pháp mang tính đồng bộ mới ngăn chặn được nạn sao chép, đạo thơ, văn và tạo nên một nếp sống văn minh trong môi trường bảo vệ bản quyền của tác giả.
Xin cảm ơn ông!
“Tôi ví dụ sự việc xảy ra với nhà xuất bản giáo dục, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đã đấu tranh, trao đổi, bằng mọi biện pháp trong vòng gần 2 năm để đòi tiền bản quyền cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm văn học in trong sách giáo khoa. Tiếng Việt ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 có khoảng 600 nhà văn, nhà thơ có tên. 200 nhà văn, nhà thơ đã mất. Và 101 nhà văn, nhà thơ đã ủy quyền cho Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đòi quyền lợi. Còn lại gần 209 nhà văn, nhà thơ không được ủy quyền thì không được đòi quyền lợi, trong khi họ có quyền được hưởng tiền bản quyền như 101 nhà văn, nhà thơ kia. Nhưng vì họ không ủy quyền cho Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam nên họ bị đặt ngoài quyền lợi, và vô hình chung điều đó tạo điều kiện những nhà xuất bản được thể vô tư dùng mà không phải trả tiền bản quyền” – nhà thơ Đỗ Hàn. |