Ngày 27.10, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ neo đậu tại Yokosuka gần Tokyo (Nhật Bản)
Đáp trả, Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Mỹ, cáo buộc động thái trên đe dọa chủ quyền của nước này. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo, động thái của Mỹ đang hủy hoại hòa bình và sự ổn định khu vực, yêu cầu nước này phải “lập tức có động thái sửa sai”.
Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố nước này đã điều hai tàu khu trục tên lửa "Lan Châu 170" và "Đài Châu 533" áp sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái đồng thời cảnh báo quân đội nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp để "duy trì an ninh quốc gia".
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP sau đó cùng ngày, một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi sẽ di chuyển trên vùng biển quốc tế với thời gian và địa điểm do chúng tôi lựa chọn”.
Bên cạnh đó, phát biểu tại phiên điều trần tại Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng gợi ý rằng, Washington sẽ sớm triển khai thêm các hoạt động trong vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
“Chúng tôi đang hành động dựa trên cơ sở chúng tôi sẽ tuần tra trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép, bất cứ khi nào cần thực hiện chiến dịch", ông Carter nhấn mạnh.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo phi pháp tại Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…
Bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, bồi đắp phi pháp biến một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng sử dụng cho các mục đích quân sự. Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc động thái của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải.
Washington cũng nhiều lần tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép.
Trước đó, Mỹ từng điều máy bay Poseidon tuần tra khu vực, dù không di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa cuối năm 2013.
Ông Malcolm Davis, một trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc và phương Tây thuộc Đại học Bond Gold Coast của Úc bình luận, ngoài những cách phản đối trực tiếp như đã làm, Bắc Kinh có thể thách thức các tàu chiến Mỹ tuần tra khu vực bằng cách đáp trả gián tiếp.
Nước này có thể tuyên bố thiết lập Khu vực Nhận dạng Phòng không trên Biển Đông hoặc tăng tốc độ quân sự hóa khu vực này bằng cách triển khai thêm lực lượng bao gồm máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố, nước này có quyền thiết lập Khu vực Nhận dạng Phòng không trên Biển Đông.
Hồi tháng 11.2013, Bắc Kinh đã thành lập Khu vực Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông bất chấp sự phản đối của Nhật Bản và Mỹ.
Trong một động thái nhằm thách thức tuyên bố của Bắc Kinh, thể hiện sự ủng hộ đối với Tokyo, Washington đã triển khai máy bay ném bom B-52 bay tuần tra bên trong Khu vực Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố.