Iran bác bỏ cáo buộc triển khai bộ binh tới Syria tham chiến, ủng hộ Tổng thống Assad nhưng một số chỉ huy quân đội cấp cao của nước này đã thiệt mạng tại chiến trường Syria, theo BBC.
Theo BBC, lần đầu tiên, Iran có thể được mời tham gia các quốc đàm phán quốc tế cùng với Nga và Mỹ nhằm tìm giải pháp chính trị kết thúc cuộc xung đột Syria tại Vienna vào cuối tuần này.
Phát biểu với báo giới ngày 27.10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby xác nhận, ông kỳ vọng Iran “được mời tham gia” các cuộc đàm phán dù không rõ giới lãnh đạo nước này có nhận lời tới dự hay không.
“Các nhà lãnh đạo Iran có tới dự hay không là tùy thuộc vào họ. Điều quan trọng đối với chúng tôi là các quốc gia chủ chốt sẽ có mặt trong các cuộc đàm phán... Họ (Iran) có thể là một đối tác quan trọng”, ông John Kirby nhấn mạnh.
Trước đó, Mỹ, các đồng minh của nước này bao gồm các nước Ả Rập Vùng Vịnh và phe đối lập Syria được phương Tây hậu thuẫn vốn luôn phản đối sự tham gia của Iran trong các cuộc đàm phán về Syria.
Iran vốn là đồng minh thân cận nhất Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Trung Đông. Nước này bị cáo buộc đã chi hàng tỷ USD trong vòng 4 năm qua để hỗ trợ chính phủ Assad.
Ngoài ra, Mỹ và các nước phương Tây còn cáo buộc, Iran cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự cho chính quyền Syria chống lại lực lượng nổi dậy.
Nước này cũng được cho là đã có ảnh hưởng lớn tới quyết định của phong trào Hezbollah để gửi chiến binh tới Syria chiến đấu trong hàng ngũ của Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông John Kirby dường như chứng tỏ Mỹ đã thay đổi lập trường. Washington có thể không hoan nghênh nhưng sẽ chấp nhận để Iran tham gia các đàm phán về Syria.
Trước đó, Nga đã đưa ra đề xuất mời Iran tham dự cuộc thảo luận đa phương về Syria. Moscow cho rằng, không thể bỏ qua vai trò của Iran trong các cuộc đàm phán về Syria. Moscow và Tehran đều ủng hộ và nhiều lần lên tiếng tuyên bố rằng, cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể được chấm dứt nhờ một giải pháp chính trị.
Hai nước này cũng phản đối việc Mỹ yêu cầu ông Assad từ chức và nhấn mạng rằng, chỉ có người dân Syria mới có quyền lựa chọn lãnh đạo cho đất nước họ.
Trong một động thái liên quan, Mỹ cũng tuyên bố nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để tăng cường chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria. Mỹ bắt đầu không kích chống IS kể từ năm ngoái. Trong khi đó, Nga cũng phát động chiến dịch tương tự tại Syria từ hôm 30.9.