Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bắt đầu từ 1/1/2016 quy định về việc lao động nam được nghỉ thai sản từ 5-14 ngày khi vợ sinh con. Số ngày nghỉ này sẽ tùy thuộc vào số con sinh ra (sinh 1, sinh đôi, sinh ba) hoặc tùy thuộc vào hình thức sinh (sinh thường hay sinh mổ).
Cụ thể, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Đây cũng là lần đầu tiên pháp luật quy định lao động nam được nghỉ thai sản.
Từ 1/1/2016, chồng sẽ được nghỉ thai sản tối đa 14 ngày khi vợ sinh con.
Ngoài ra, luật sửa đổi còn bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình từ ngày 1/1/2015 cho phép lao động nữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Về chế độ được hưởng khi sinh con, đối với trường hợp gia đình chỉ có cha tham gia BHXH, khi vợ sinh con sẽ được trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con. Các trường hợp mang thai hộ hoặc nhờ mang thai hộ đều được hưởng chế độ thai sản như bình thường.
Về chế độ thai sản cũng đã bổ sung quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai. Trong trường hợp này, lao động nữ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thay vì 6 tháng như trước đây.